Thực hiện chế độ trợ cấp cho học sinh dân tộc thiểu số

THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CHO HỌC SINH DÂN TỘC THIỂU SỐ

 

 

Quyết định số 93/2008/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 và Quyết định số 05/2013/QĐ-UBND ngày 24/01/2013 (viết tắt QĐ 93,05) về chế độ trợ cấp cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận ban hành vào năm 2008, bắt đầu triển khai thực hiện vào năm 2009 và được sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 2013. Đối tượng trợ cấp là học sinh mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở thuộc các dân tộc Cơ ho, Raglai, Rai và Chơ Ro tại 63 xã miền núi và 17 xã vùng cao/7 huyện của tỉnh; theo đó, mức trợ cấp cho mẫu giáo 70.000 đồng/người/tháng (hưởng 9 tháng/năm học), tiểu học và trung học cơ sở 140.000 đồng/người/tháng (hưởng 9 tháng/năm học). Ngoài ra, hàng năm ngân sách tỉnh còn chi 20% kinh phí để hỗ trợ sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh các cấp. Song song với việc trợ cấp theo các Quyết định trên, học sinh các DTTS thuộc diện hộ nghèo, mồ côi và tàn tật (trong đó có cả dân tộc Kinh) còn được thụ hưởng trợ cấp theo các Nghị định của Chính phủ, như: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015; Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 05/01/2018; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 (gọi tắt NĐ 86, NĐ 06, NĐ 116). Qua 10 năm, từ năm 2009–2019 đã có 73.880 lượt học sinh thụ hưởng/71.915 triệu đồng; bình quân gần 7.400 lượt học sinh/7.200 triệu đồng/năm học. Đối với các chính sách của Trung ương có 16.614 lượt học sinh/11.775.709.000 đồng.

Nhìn chung, nhờ chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương. Đặc biệt, với Quyết định 93,05 đã giúp cho học sinh các DTTS có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đều được đến trường. Số lượng và chất lượng học sinh các cấp học ở các xã miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng tăng; chính sách đã tạo điều kiện thuận lợi cho các chi phí ăn, ở, học tập và sinh hoạt của từng đối tượng thụ hưởng. Thông qua các chính sách trên, tình hình giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực trong vùng đồng bào có sự chuyển biến rõ nét ở các cấp học, bậc học, thu hút học sinh đến trường cao hơn; hiệu quả đào tạo đã được nâng lên. Có thể khẳng định rằng, chính sách theo Quyết định số 93, 05 của tỉnh rất có ý nghĩa, phù hợp với tình hình thực tế vùng đồng bào DTTS và được đồng bào đồng tình ủng hộ, tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, trong hơn một năm qua, khi UBND tỉnh có chủ trương tạm dừng thực hiện Quyết định 93, 05, thì đã có 7.987 học sinh các cấp học của 04 dân tộc Cờ ho, Raglai, Chơ ro thuộc 63 xã miền núi và 17 xã vùng cao/7 huyện của tỉnh không còn thụ hưởng trợ cấp chế độ trên, thay vào đó chỉ còn một số đối tượng thuộc diện chính sách, học sinh dân tộc thuộc vùng đặc biệt khó khăn (trong đó có dân tộc Kinh) được thụ hưởng trợ cấp theo các Nghị định của Trung ương. Điều này đã làm hụt hẫng, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý phụ huynh và học sinh, các giáo viên đứng lớp trong việc theo dõi, quản lý, duy trì sĩ số và chất lượng học sinh dân tộc thiểu số các cấp học và cũng có thể dẫn tới học sinh DTTS bỏ học giữa chừng; nguy cơ có thể số lượng bỏ học còn cao hơn (nhất là nghỉ học do giãn cách xã hội để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 vừa qua). Mặt khác, trong tình hình biến động giá cả thị trường (theo thống kê qua 10 năm thì tốc độ trượt giá - chỉ số CPI sắp xỉ 70%), nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên; do đó, với mức hỗ trợ theo Quyết định số 93, 05 của tỉnh đối với học sinh mẫu giáo là 70.000 đồng/tháng, đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở là 140.000 đồng/tháng vẫn còn thấp và chưa sát với tình hình biến động giá cả thị trường.

Để công tác giáo dục, đào tạo thực sự là quốc sách hàng đầu, phát triển nhanh và toàn diện; đồng thời, để tạo điều kiện cho học sinh là người DTTS có cơ hội vươn lên trong học tập, thu hẹp dần khoảng cách giữa các vùng, miền, giữa các thành phần dân tộc với nhau; đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm ban hành một chính sách giáo dục đặc thù của tỉnh đối với học sinh là người dân tộc thiểu số; trong đó, chú ý tăng định mức trợ cấp để phù hợp với tình hình thực tế về chi phí học tập, sinh hoạt cho học sinh dân tộc thiểu số các cấp học giúp tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn của tỉnh; đồng thời cũng góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu “Nâng cao, phát triển toàn diện nguồn nhân lực các DTTS về thể lực, trí lực và tác phong, kỷ luật, kỹ năng nghề nghiệp, cơ cấu hp lý theo Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ; Kế hoạch số 1575/KH-UBND ngày 03/5/2017 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030./.

 

                                                                    Thanh Thị Minh Hiền

 

 

 

Cải cách hành chính

Điểm tin cải cách hành chính

VĂN BẢN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG DVC TRỰC TUYẾN VÀ DV BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

HƯỚNG DẪN TTHC LIÊN THÔNG
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
       Trang Thông Tin Điện Tử Ban Dân Tộc
Địa chỉ: 408 Thủ Khoa Huân, TP. Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 0252 3812440
Email: bdt@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang

Designed by VNPT