Chỉ thị Về việc tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022
    Thiên tai trong những năm qua diễn biến hết sức bất thường, phức tạp và khó lường, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là của các ngành, các địa phương và sự chủ động phòng tránh, ứng phó của người dân, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng còn những hạn chế, đặc biệt khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố phức tạp, công tác chỉ huy, chỉ đạo có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; phương châm “bốn tại chỗ” chưa được quan tâm đầy đủ, có nơi còn hình thức; khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu trước sự tàn phá của thiên tai; lực lượng xung kích ứng cứu không được tập luyện, diễn tập và thiếu trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; vẫn còn tình trạng bất cẩn, chủ quan dẫn tới những thiệt hại đáng tiếc về người trong bão, lũ, tai nạn, sự cố trên biển; công tác khắc phục hậu quả thiên tai triển khai còn chậm, thiếu nguồn lực, kinh phí nên xử lý không dứt điểm.

    Từ đầu năm 2022, thiên tai tiếp tục bất thường (mưa lũ giữa mùa khô kèm dông lốc, sóng lớn tại Trung Bộ; mưa lớn gây ngập úng nhiều đô thị; rét lịch sử cuối tháng 02 năm 2022; động đất liên tiếp tại Kon Tum). Riêng đối với Bình Thuận, tình hình thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh tuy không phức tạp nhưng cũng rất khó lường, trên biển không có bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động nhưng gió mạnh, sóng lớn cũng ảnh hưởng đến khai thác hải sản và giao thông trên biển. Trong tháng 2 và 3/2022, đã xảy ra mưa to kèm gió lốc xoáy, sét đánh ở Đức Linh và Tánh Linh, làm chết người, tốc mái nhà cửa, sản xuất nông nghiệp; cuối tháng 3 xảy ra mưa lớn làm sạt lở đất cát tại 2 xã Hồng Phong và Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, gây ách tắc giao thông tuyến đường ĐT 716. Cuối tháng 4, đầu tháng 5 (ngày 30/4 – 01/5) xảy ra mưa to gây ngập úng nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc, sạt lở đất đá gây ách tắc giao thông tuyến Quốc lộ 28B Lương Sơn - Đại Ninh. Từ ngày 20 - 22/5, trên địa bàn huyện Tánh Linh xảy ra mưa to, làm ngập lụt 50 căn nhà tại xã Bắc Ruộng, tốc mái 04 công trình phụ, làm ngập hơn 370 ha sản xuất nông nghiệp, sạt lở gây hư hỏng nhiều công trình cơ sở hạ tầng.
    Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2022 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Để chủ động phòng chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường của thiên tai, giảm thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị trong tỉnh tiếp tục chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công, tập trung thực hiện tốt một số công việc sau đây:
    I. Nhiệm vụ chung
    1. Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản liên quan: Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai; các chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong đó, xác định phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, liên tục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
    2. Từ nay đến hết tháng 8/2022, Ủy ban nhân dân và Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các Sở, ngành nhanh chóng tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021; rà soát, cập nhật để bổ sung xây dựng phương án, kế hoạch nhiệm vụ năm 2022 thật cụ thể, sát với thực tế, loại hình thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai đã xảy ra và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng khu vực nhằm chủ động ứng phó, phòng ngừa nhanh, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; chủ động công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời người và tài sản bảo đảm an toàn trước, trong và sau thiên tai.
    3. Rà soát, kiện toàn và củng cố tổ chức Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các sở, ngành để chủ động thực hiện nhiệm vụ; chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm “bốn tại chỗ” về lực lượng, phương tiện và các trang thiết bị, nhu yếu phẩm; phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy nhằm chủ động chỉ đạo, phối hợp chỉ huy công việc đạt hiệu quả cao. Nâng cao năng lực của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy các cấp, nhất là Văn phòng cấp tỉnh; trong đó, ưu tiên bố trí về nguồn nhân lực, cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tham mưu công việc hiệu quả, đảm bảo tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu được giao.
    4. Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, nhất là các quy hoạch, dự án phát triển khu đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng giao thông; rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, bố trí, sắp xếp dân cư phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng, từng địa phương, từng ngành; bảo vệ, chăm sóc, trồng và nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ngập mặn ven biển.
    5. Tập trung nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, thiên tai; đầu tư hiện đại hóa công nghệ quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn theo hướng tích hợp, đồng bộ, tự động hóa, đặc biệt là dự báo mưa, lũ, khí tượng thủy văn biển; đẩy nhanh lắp đặt hệ thống quan trắc mưa, mực nước tự động phục vụ vận hành hồ chứa và thiết bị cảnh báo xả lũ hạ du hồ chứa, hệ thống giám sát trực tuyến vận hành hồ chứa, trọng điểm đê điều, tàu thuyền hoạt động trên biển.
    6. Tổ chức kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương án đã xây dựng trước mùa mưa lũ ở các địa phương, đơn vị liên quan; tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập theo phương án đã được phê duyệt.
    7. Nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn, trong đó xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt, công tác cứu hộ cứu nạn là hoạt động quan trọng, là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình” của lực lượng vũ trang.
    8. Đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị bảo đảm công tác chỉ đạo, chỉ huy, triển khai nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; củng cố, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở để ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm “bốn tại chỗ”.
    9. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân trong cộng đồng; tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”; đa dạng hình thức truyền thông phù hợp từng nhóm đối tượng, ưu tiên các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố vào chương trình giảng dạy trong nhà trường và hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng.
    10. Ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư. Các sở, ngành và địa phương chủ động bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm đã được giao, nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; có giải pháp huy động nguồn lực, đặc biệt nguồn lực ngoài ngân sách để khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý dứt điểm các tồn tại, hậu quả thiên tai năm 2021.
    11. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, chuyển đổi số; hiện đại hóa công cụ hỗ trợ, số hóa cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai; phát huy hoạt động của Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước.
    II. Nhiệm vụ cụ thể
    1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
    - Rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự đảm bảo hoạt động của Ban chỉ huy, cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; hướng dẫn các địa phương đảm bảo hoạt động tham mưu chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai trong mọi tình huống.
    - Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trước mùa mưa lũ của các ngành, các địa phương; đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh thông qua Bộ chỉ số.
    - Tổ chức theo dõi diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo công tác ứng phó theo quy định; chỉ đạo công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai, triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trong phòng, chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.
    - Rà soát, tham mưu cơ chế chính sách liên quan đến công tác phòng, chống thiên tai. Chỉ đạo nâng cao năng lực, bảo đảm nguồn nhân lực, điều kiện hoạt động của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh, cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, theo hướng chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
    - Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để chủ động thích ứng, giảm thiệt hại do thiên tai, gắn xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai với xây dựng nông thôn mới bền vững. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nâng cấp, khắc phục sự cố đê - kè, công trình phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ; chỉ đạo, kiểm tra phương án bảo vệ trọng điểm đê, kè, hồ chứa thủy lợi. Rà soát phương án phòng, chống lũ, giảm ngập lụt ở hạ du của các hồ chứa nước trên các lưu vực sông chính trong tỉnh.
    - Tham mưu hoàn thiện tổ chức, quy chế hoạt động và tích cực đôn đốc, triển khai thu Quỹ phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh theo quy định.
    - Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, hợp tác quốc tế; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát thiên tai chuyên dùng, cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ trong phòng, chống thiên tai.
    - Phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai kiểm soát an toàn thiên tai, xử lý vi phạm lấn chiếm ảnh hưởng đến thoát lũ, làm gia tăng ngập lụt ở các lưu vực sông trên địa bàn.
    - Chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh rà soát, kiểm tra các quy định về đăng ký, đăng kiểm, quản lý tàu thuyền, nắm chắc số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển, nhất là tàu thuyền đánh bắt xa bờ; tiếp tục phổ biến và hướng dẫn kỹ thuật neo đậu tàu thuyền phòng tránh bão, lũ và các nghị định, quy định liên quan về an toàn tàu cá. Quản lý, theo dõi hoạt động của các tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá theo quy định.
    - Chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương có hồ chứa tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ an toàn của từng hồ chứa nước, công trình thủy lợi trước mùa mưa, bão năm 2022 theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 1652/CT-BNN-TCTL ngày 18 tháng 3 năm 2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn
công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2022. Thực hiên nghiêm túc các quy
định về quản lý an toàn đập theo Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
    - Rà soát, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình chống hạn, cấp nước sinh hoạt, đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; chủ động theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn để chỉ đạo sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại. Đôn đốc đẩy nhanh việc thi công các khu dân cư để thực hiện di dời, bố trí dân cư tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét,... đảm bảo an toàn. Chú trọng công tác khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới đảm bảo sinh kế, bền vững.
- Phối hợp với sở, ngành liên quan và các địa phương tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chuyên môn, kiến thức về các loại hình thiên tai; công tác trực ban, báo cáo, hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại,… cho cán bộ cấp huyện, xã.
    2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
- Chỉ đạo nâng cao chất lượng và tổ chức tập luyện, huấn luyện, đào tạo lực lượng cứu hộ, cứu nạn theo quy định; kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ, cháy rừng, sự cố, tai nạn. Đầu tư hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là khi xảy ra tình huống thiên tai, sự cố phức tạp trên biển, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm tìm kiếm cứu nạn kịp thời.
- Kiểm tra, rà soát các trang thiết bị, phương tiện, lực lượng đảm bảo cho công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu sập, cháy nổ; đồng thời, rà soát, triển khai ký kết hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tìm kiếm cứu nạn của Trung ương và Quân khu 7 để tham gia ứng phó, phòng chống, cứu nạn, cứu hộ và xử lý các tình huống khẩn cấp khi thiên tai, sự cố, thảm họa xảy ra.
    3. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh
    - Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các địa phương vùng biển quản lý tốt tàu thuyền hoạt động trên biển, nhất là tàu đánh bắt xa bờ. Tăng cường sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá ra khơi, theo dõi hoạt động của tàu cá trên biển, kết nối thông tin trực tiếp với tàu cá và gia đình chủ tàu, đảm bảo tàu cá hoạt động trên biển nắm bắt thông tin nhanh, kịp thời, chủ động tránh bão, áp thấp nhiệt đới hoặc di chuyển đến nơi an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tàu thuyền hoạt động trên biển. Lưu ý, việc tuyên truyền cho ngư dân khi hoạt động trên biển không xâm phạm lãnh hải của các nước trong khu vực.
    - Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử phạt nghiêm đối với tàu thuyền khi đi biển hoạt động không khai báo, thiếu các trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống thiên tai (thông tin liên lạc, đăng kiểm, phao cứu sinh,…); tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ năng cho chủ phương tiện tàu cá, thuyền viên và ngư dân hoạt động trên biển, kéo giảm tối đa các vụ tai nạn tàu thuyền, thuyền viên và ngư dân bị sự cố, mất tích khi đang hoạt động trên biển; chủ động nắm chắc các loại tàu thuyền và ngư dân hoạt động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh, sóng lớn trên biển để kêu gọi vào bờ hoặc hướng dẫn di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh, trú an toàn.
    - Sẵn sàng phương tiện, lực lượng, trang thiết bị để tham gia công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ người, phương tiện và tàu thuyền khi gặp sự cố, thiên tai xảy ra trên biển, trong vùng nước cảng biển; thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tràn dầu trên biển.
    4. Công an tỉnh
    - Đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai, sự cố, thảm họa xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng, trang thiết bị cùng phối hợp với lực lượng quân sự, biên phòng, Sở Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc di dời dân khẩn cấp người và tài sản của Nhà nước và nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi thiên tai, sự cố, thảm họa xảy ra.
    - Trực tiếp tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ; kiểm tra, kiểm soát, tổ chức hướng dẫn giao thông tại các khu vực, tuyến đường giao thông bị thiên tai, sự cố, thảm họa và chủ động phối hợp tham gia công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai.
    5. Sở Tài nguyên và Môi trường
    - Chủ trì, tăng cường kiểm tra, quản lý cấp phép, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển, tránh gây sạt lở, tăng rủi ro thiên tai.
    - Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh phương án ứng phó sự cố tràn dầu, bảo đảm môi trường sinh thái sau sự cố, thiên tai.
    6. Sở Giao thông vận tải
    - Kiểm tra, sửa chữa, kịp thời khắc phục các sự cố về cầu, cống xung yếu, đoạn đường có nguy cơ sạt lở cao, không bảo đảm an toàn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ mình quản lý; có giải pháp khắc phục các công trình gây cản lũ, ngập úng khu dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
    - Chỉ đạo rà soát phương án đảm bảo an toàn giao thông trong tình huống bão lớn, lũ, ngập lụt nặng kéo dài. Bố trí vật tư và nhân vật lực ở những tuyến giao thông trọng điểm, quan trọng để kịp thời ứng cứu, gia cố, hỗ trợ, thay thế khi cầu, cống, đường giao thông bị sập, sạt lở, hư hỏng; tổ chức khắc phục nhanh các sự cố trên các tuyến giao thông chính sau thiên tai.
    - Chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện, lực lượng, vật tư dự phòng để hỗ trợ sơ tán, di dời dân khi có thiên tai, sự cố, thảm họa và đảm bảo giao thông trong mọi tình huống thiên tai, sự cố, thảm họa xảy ra.
7. Sở Công Thương
    - Chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai trước mùa mưa bão đối với các đơn vị quản lý vận hành lưới điện, chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện.
    - Kiểm tra, đôn đốc các chủ công trình thủy điện triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập; tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa thủy điện và quy trình liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bảo an toàn; lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cung cấp thông tin cho các đơn vị chức năng theo quy định, thông tin cảnh báo đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ; kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xã lũ, nhận nước; có phương án xả lũ đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hạ du.
- Kiểm tra, rà soát, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu, nhất là tại khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt, chia cắt khi mưa lũ lớn, vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt việc dự phòng tại chỗ, bình ổn giá khi thiên tai xảy ra.
    8. Sở Xây dựng
    - Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến các quy định về xây dựng nhà ở an toàn trước thiên tai; hướng dẫn kỹ thuật chằng, chống nhà cửa ở những nơi thường hay xảy ra lốc xoáy, bão mạnh; các trụ ăng ten tiếp phát sóng điện thoại, tiếp phát truyền hình, pano, biển quảng cáo,...
    - Tổ chức các lớp tập huấn về quy chuẩn xây dựng nhà an toàn cho cán bộ, công chức, viên chức các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để phổ biến cho người dân trong cộng đồng biết, thực hiện và chủ động phòng ngừa.
    9. Sở Thông tin và Truyền thông
    - Bảo đảm ưu tiên thông tin liên lạc thông suốt, chú ý các khu vực trọng điểm, ven biển, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và khu vực có dự án trên đồi dốc; trong đó, đặc biệt ưu tiên thông tin liên lạc với huyện đảo Phú Quý phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Đảm bảo kết nối thông tin chính xác, nhắn tin cảnh báo đến các thuê bao khi có tin báo xảy ra thiên tai, sự cố, thảm họa khẩn cấp từ chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
    - Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong phòng, chống thiên tai, đảm bảo tính chính xác, kịp thời và hiệu quả.
    10. Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ, Tỉnh đoàn Bình Thuận
    - Tổ chức tốt các đội y tế lưu động; thanh niên xung kích/chữ thập đỏ; rà soát, kiểm tra, phối hợp với Ban Chỉ huy cấp tỉnh, các sở, ngành và địa phương hướng dẫn xây dựng, cập nhật phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng, chống dịch theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Chỉ đạo việc tổ chức dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trước, trong và sau thiên tai.
    - Phối hợp tham gia vận động cứu trợ, hỗ trợ kịp thời giúp nhân dân vùng bị thiên tai, thảm họa, sự cố khắc phục nhanh hậu quả, bảo đảm nước sạch và vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra.
    11. Sở Tài chính
    Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh cân đối, bố trí nguồn dự phòng ngân sách tỉnh để thực hiện việc ứng phó, phòng ngừa, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do thiên tai, sự cố, thảm họa gây ra theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Phòng, chống thiên tai.
    12. Sở Kế hoạch và Đầu tư
    Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ưu tiên nguồn vốn cho các công trình, dự án cấp bách phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và các công trình khắc phục hư hỏng, tái thiết sau thiên tai theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Phòng, chống thiên tai.
    13. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận
    - Phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan liên quan để thực hiện đưa tin chính xác, kịp thời về diễn biến của thiên tai, sự cố và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đến các địa phương, sở, ngành và người dân trong cộng đồng.
    - Thực hiện các chương trình phổ biến kiến thức, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các loại hình thiên tai và các biện pháp phòng tránh, ứng phó, tạo ý thức chủ động trong nhân dân; lưu ý phương án di dời, sơ tán khách du lịch tại các khu du lịch ven biển, các resort.
    - Phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức các chương trình huấn luyện bơi cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, sinh sống ở địa bàn ven sông, suối, kênh mương, nhằm trang bị cho các em các kiến thức, kỹ năng để hạn chế đuối nước, nhất là trong dịp hè 2022.
    14. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh
    Tổ chức thu thập thông tin nhanh, kịp thời, chính xác các hình thế bất lợi của thời tiết, tình hình bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm trên biển, sóng mạnh, triều cường, cảnh báo mưa to, lũ lớn để phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên trang bị công nghệ quan trắc, tự động hóa, công cụ hỗ trợ chỉ đạo điều hành, ứng dụng khoa học công nghệ, mô phỏng tình huống, dự báo cho công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Cải tiến nội dung, hình thức cung cấp thông tin dự báo phù hợp với từng đối tượng tiếp nhận. Lưu ý, dự báo sớm lượng mưa, lưu lượng lũ đầu nguồn các hồ chứa phục vụ chỉ đạo vận hành phòng, chống lũ, điều tiết hồ đạt hiệu quả.
    15. Đài Thông tin Duyên hải Phan Thiết
    Phối hợp tốt với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để thông tin về tình hình thời tiết biển, bão, áp thấp nhiệt đới, sự cố tàu thuyền trên biển, phát thông tin khẩn cấp, ứng phó, tìm kiếm cứu nạn nhằm hỗ trợ các ngư dân và tàu, thuyền hoạt động trên biển chủ động phòng tránh, cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ nhau kịp thời khi thiên tai, sự cố, tai nạn xảy ra.
    16. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
    - Tiếp tục rà soát, bổ sung, xác định rõ các vùng, khu vực, địa bàn xung yếu thường bị ảnh hưởng của thiên tai; nhất là các vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão mạnh, siêu bão; vùng mưa to gây lũ, ngập lụt, vùng trũng; vùng hạ du của các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện khi phải xả lũ; vùng có địa hình cao, đồi dốc nhằm xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, điều chỉnh phương án ứng phó hợp lý theo phương châm “bốn tại chỗ” để tổ chức phòng ngừa, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai đạt hiệu quả cao nhất; dự trữ đầy đủ về lương thực, thực phẩm, trang thiết bị, thuốc men, nhu yếu phẩm từ hộ gia đình đến từng thôn, xã, những vùng dễ bị chia cắt, ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai. Đặc biệt, lưu ý đối với huyện đảo Phú Quý.
    - Tiếp tục chỉ đạo, kiện toàn, xây dựng Đội xung kích ứng cứu cấp xã theo quy định và hướng dẫn tại Quyết định số 08/QĐ-TWPCTT ngày 27 tháng 3 năm 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai về ban hành hướng dẫn xây dựng và củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; tập huấn kỹ năng, diễn tập các tình huống, sự cố, thiên tai có thể xảy ra để các thành viên đội xung kích nắm bắt các kỹ năng xử lý, cách ứng phó ngay từ giờ đầu khi thiên tai xảy ra.
    - Chỉ đạo rà soát, tăng cường quản lý việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống tiêu thoát nước khu dân cư, đô thị vùng ven sông, suối, ven biển, đồi núi,…nạo vét mở rộng khẩu độ thoát lũ nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa tác động bất lợi do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra. Thực hiện việc lồng ghép nội dung kế hoạch phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực tại địa phương. 
    - Chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp khác trên địa bàn (ngân sách, Quỹ Phòng, chống thiên tai, xã hội hóa, nguồn tài trợ khác,...) để phục vụ tốt cho phòng ngừa, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tích cực triển khai, đôn đốc thu nộp Quỹ phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 78/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ về thành lập và quản lý Quỹ phòng chống thiên tai để có nguồn kinh phí chủ động chi cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.
    17. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
    Chịu trách nhiệm trong kiểm tra, đôn đốc, theo dõi, báo cáo việc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các địa phương, các Sở, ngành liên quan đã được phân công. Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán, di dời dân cư, an toàn hồ, đập, nhu yếu phẩm, vật tư, trang thiết bị dự phòng,… tham mưu kịp thời cho Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo, điều hành, ứng phó nhanh, kịp thời và có hiệu quả khi thiên tai, sự cố xảy ra.
    18. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Hội, Đoàn thể trong tỉnh
    Phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư tham gia thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này; giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp cùng phối hợp với Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Mặt trận, Đoàn thể, Hội quần chúng, các tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức triển khai thực hiện tốt nội dung Chỉ thị này./.

Tải về: Chỉ thị 08  /CT-UBND ngày 07/7/2022 của UBND tỉnh Bình Thuận

BBT Ban Dân tộc

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Cải cách hành chính

Điểm tin cải cách hành chính

VĂN BẢN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG DVC TRỰC TUYẾN VÀ DV BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

HƯỚNG DẪN TTHC LIÊN THÔNG
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
       Trang Thông Tin Điện Tử Ban Dân Tộc
Địa chỉ: 408 Thủ Khoa Huân, TP. Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 0252 3812440
Email: bdt@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang

Designed by VNPT