Hiệu quả của việc thực hiện các chính sách đặc thù của địa phương đối với việc phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Bình Thuận là tỉnh gồm 35 thành phần dân tộc; trong đó, có 34 dân tộc thiểu số (DTTS), tập trung sinh sống ở 15 xã thuần và 32 thôn xen ghép thuộc 8/10 huyện, thị, thành phố của tỉnh, với 104.066 người, chiếm gần 8,4% dân số của tỉnh.
Để triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngoài các chính sách của Trung ương, tỉnh Bình Thuận đã quan tâm ban hành và triển khai thực hiện 13 chính sách đặc thù của địa phương để phát triển, cải thiện đời sống, kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS. Xuất phát từ thành công của việc triển khai các chính sách đặc thù nhất là thành công của việc triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 27/5/2002 của Tỉnh ủy Bình Thuận về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS đến năm 2025. Nghị quyết 04-NQ/TU được xem là đòn bẩy với những nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, cụ thể, thiết thực; trong đó, tập trung thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống như: cấp đất sản xuất, giao khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ trả lãi vay mua bò, đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển giống, vật tư…Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS ngày càng được cải thiện; vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, thay đổi, phát triển. Bằng các nguồn lực của Trung ương và địa phương, tỉnh đã đầu tư trên 1.200 tỷ đồng xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS; đã cấp trên 15.000 ha đất sản xuất ( bình quân 01 ha/hộ); xây dựng 5.543 căn nhà cho hộ đồng bào DTTS; hỗ trợ lãi suất cho 3.160 hộ vay mua 4.680 con bò với giá trị vay hơn 22 tỷ đồng; thực hiện đầu tư ứng trước giống, vật tư, các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống với tổng giá trị 18,7 tỷ đồng/ năm. Sự nghiệp giáo dục, y tế vùng đồng bào DTTS được chăm lo tốt hơn.
Lãnh đạo UBND tỉnh thăm, tặng quà Tết Katê năm 2023. Nguồn: Internet.
Đến nay, 100% xã vùng đồng bào DTTS đã có đường ô tô được nhựa hóa thông suốt đến trung tâm xã; có 100% xã được phủ sóng truyền hình, phát thanh; 98% hộ sử dụng điện lưới quốc gia; 88,3% hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; 100% xã thuần đồng bào DTTS có nhà văn hóa; 100% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; Các xã thuần vùng DTTS đạt chuẩn quốc gia về y tế; đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn, diện hộ nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 100%. Tỷ lệ học sinh bỏ học giảm; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS. Đối với kết quả giảm nghèo: đến ngày 31/12/2022 hộ nghèo DTTS còn 2.801 hộ, chiếm 10,78% so với tổng số hộ DTTS và chiếm 32,35% so với tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; số hộ cận nghèo DTTS là 3.341 hộ, chiếm 12,86%, so với tổng số hộ DTTS và chiếm 23,27% so với tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộ c thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách đặc thù của địa phương, trong đó tập trung nâng cao trình độ dân trí vùng đồng bào dân tộc thông qua Chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Bằng các hình thức hỗ trợ cụ thể (trợ cấp học tập, sinh hoạt hàng tháng, khen thưởng, trợ cấp sách giáo khoa, dụng cụ học tập, tiền tàu xe...) nhằm giúp cho học sinh, sinh viên DTTS có điều kiện học tập tốt hơn, góp phần tăng tỷ lệ học sinh đến trường và từng bước ngăn chặn, chấm dứt tình trạng bỏ học giữa chừng; thu hẹp dần sự chênh lệch về trình độ dân trí giữa các dân tộc, giữa vùng cao, miền núi với đồng bằng và thành thị; đồng thời, tạo nền tảng để phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao để phục vụ tại vùng đồng bào DTTS nói riêng và cả tỉnh nói chung trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tiếp tục Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 28/9/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh; góp phần tăng thêm cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đi lại của nhân dân, tạo sự liên kết về kinh tế giữa các vùng lân cận; phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, phát triển và nâng cao chất lượng vùng đồng bào DTTS, tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới, đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của các hộ đồng bào DTTS.
Phát triển sản xuất thông qua Chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 18/11/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Việc thực hiện chính sách giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho các hộ đồng bào tham gia nhận khoán bảo vệ rừng; diện tích rừng tiếp tục được quản lý, bảo vệ tốt hơn, hạn chế tình trạng phá rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép; đồng bào có thêm nhu nhập, ổn định cuộc sống; mối quan hệ giữa đồng bào với lực lượng bảo vệ rừng ngày càng gắn bó, nhận thức của đồng bào về công tác quản lý, bảo vệ rừng được nâng lên. Kinh phí khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm là 18.393 triệu đồng/ 49.577 ha.
Triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, nhằm cung cấp kịp thời giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tạo điều kiện phát triển sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số; hướng dẫn đồng bào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả, phù hợp trên từng vùng. Hàng năm, Trung tâm Dịch vụ miền núi triển khai đầu tư ứng trước sản xuất bắp lai, lúa nước của các hộ đồng bào DTTS: đến thời điểm hiện nay, 1.170 hộ/2.211,6 ha ký hợp đồng, (trong đó: Bắp lai: 1.039 hộ/2.133,6 ha; Lúa nước: 131 hộ/77,97 ha); Giá trị đầu tư trên 15 tỷ đồng; đồng thời, Trung tâm Dịch vụ miền núi tổ chức cung ứng đầy đủ giống, vật tư, hàng hóa xuống các địa bàn phục vụ kịp thời thời vụ sản xuất của đồng bào; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, thâm canh cây bắp lai, lúa nước; tổ chức thu mua sản phẩm do các hộ đồng bào sản xuất ra. Bình quân, lượng bắp lai thương phẩm thu mua hàng năm 7.500 tấn, trị giá gần 40 tỷ đồng. Sau khi trả nợ đầu tư, các hộ dân còn thu nhập khoảng 25 tỷ đồng.
Từ những kết quả trên, có thể khẳng định, chính sách dân tộc muốn phát huy hiệu quả, đi vào lòng dân phải xuất phát từ mục tiêu phục vụ nhu cầu, lợi ích của đồng bào và thực tiễn cơ sở; tập trung nguồn lực đủ mạnh; có sự kết hợp giữa phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế - xã hội với phát huy tiềm năng lợi thế của từng địa phương; Quá trình điều hành thực hiện phải sâu sát, cụ thể, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm; có sự phân công, xác định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đối với từng cấp, từng ngành có liên quan; đề cao tính năng động, sáng tạo phát huy trách nhiệm cơ sở, khơi dậy ý thức vươn lên, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, không trông chờ, không ỷ lại cấp trên”./.
Đăng Diện