Hiệu quả sau 05 năm chỉ đạo thực hiện công tác giao lưu, kết nghĩa trên địa bàn huyện Tuy Phong
Huyện Tuy Phong nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Thuận, có diện tích tự nhiên 79.385,54 ha, với 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Dân số toàn huyện có trên 150 nghìn người; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 5,6%, gồm các dân tộc Chăm, Raglay…; tập trung chủ yếu ở 02 xã thuần và 03 thôn xen ghép.
Xác định công tác giao lưu, kết nghĩa với vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo tình đoàn kết, gắn bó giữa đồng bào miền xuôi với miền núi của huyện. Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức kết nghĩa với các xã thuần, thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, Huyện Tuy Phong đều ban hành Thông báo, kế hoạch để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kết nghĩa các xã, thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện phù hợp với thực lực của cơ quan, đơn vị, địa phương. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xác định và phát huy tốt vai trò, trách nhiệm; chủ động phối hợp cấp ủy, chính quyền, chức sắc, già làng, Người có uy tín ở các xã, thôn xen ghép vùng đồng bào dân tộc xây dựng kế hoạch, chương trình giao lưu, kết nghĩa hàng năm. Nội dung chương trình, kế hoạch thiết thực, cụ thể và phù hợp với khả năng của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Sau những năm triển khai, thực hiện. Đặc biệt, qua Hội nghị tổng kết 5 năm (2016- 2020) triển khai công tác giao lưu, kết nghĩa với các thôn xen ghép đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện cho thấy: Chủ trương thực hiện công tác giao lưu, kết nghĩa với các xã, thôn xen ghép vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là đúng đắn, hiệu quả và phù hợp với tình hình thựcc tế. Với chủ trương này, từ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của địa phương; sự chủ động, trách nhiệm của các ngành trong công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền, già làng, Người có uy tín ở cơ sở cùng với sự sự chung tay, góp sức của các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm… đã tạo nên mối quan hệ, tinh thần đoàn kết, hiểu biết giữa các địa phương với các cơ quan, đơn vị được nâng lên, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần trong vùng đồng bào kết nghĩa, nổi rõ nhất là: Tổ chức thăm, tặng 1.870 suất quà/153,7 triệu; khám bệnh miễn phí 80 trẻ em nhân lễ, tết, ngày Quốc tế thiếu nhi, Rằm Trung thu; huy động các nguồn lực thực hiện 5 công trình, phần việc/79,3 triệu; làm 70m đường giao thông nông thôn; xây dựng cổng thôn, bê tông hóa sân nhà sinh hoạt thôn, nhà vệ sinh, tường rào. Phối hợp tuyên truyền: Luật nghĩa vụ quân sự, Luật Quốc phòng; Luật an ninh mạng, Luật tín ngưỡng tôn giáo, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình; Luật an toàn giao thông; tác hại của việc sử dụng các chất ma túy, diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; về giữ gìn vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm... với hình thức, nội dung phù hợp với đối tượng, địa bàn đã góp phần nâng cao nhận thức, niềm tin của đồng bào dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng; không để kẻ xấu lợi dụng kích động, gây chia rẽ sự đoàn kết toàn dân tộc. Một số thành viên trong các Cụm đã liên kết, phối hợp các cơ quan chức năng ở tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về công tác hòa giải ở cơ sở; trợ giúp, tư vấn pháp lý; tập huấn kỹ thuật phòng, trừ sâu bệnh trên cây lúa, thanh long; kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn cho hơn 200 lượt hộ gia đình…
Từ những hiệu quà trên đã góp phần thay đổi nhiều mặt trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo tình cảm gắn bó giữa cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị và đồng bào xã, thôn kết nghĩa, tạo không khí dân chủ, cởi mở, tin cậy lẫn nhau để cùng xây dựng phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong thời gian tới, Huyện Tuy Phong tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Công văn số 1678- CV/TU ngày 13/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công văn số 2734-CV/HU ngày 03/4/2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy. Theo đó; các cơ quan, đơn vị trong Cụm kết nghĩa cần nghiên cứu, sáng tạo hơn trong các hoạt động giao lưu, kết nghĩa; chủ động phối hợp cấp ủy xã, thôn để khảo sát, nắm bắt nhu cầu và thống nhất kế hoạch, chương trình giao lưu, kết nghĩa phù hợp, thiết thực, hiệu quả. Trong đó, quan tâm tổ chức các hoạt động hướng đến nâng cao nhận thức của bà con vùng đồng bào dân tộc về xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống; bài trừ các tệ nạn xã hội; đoàn kết dân tộc, không nghe và làm theo những kích động của kẻ xấu; tham gia các phong trào thi đua yêu nước; triển khai thực hiện các công trình, phần việc hữu ích, thiết thực với đồng bào dân tộc./.
V. Đ. Diện