Hiệu quả từ chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tuần tra bảo vệ rừng tại huyện Hàm Thuận Bắc ( nguồn báo Bình Thuận)
Thực hiện chủ trương của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành kế hoạch vốn thực hiện khoán bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hướng dẫn các đơn vị chủ rừng lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng.
Kết quả từ năm 2021 - 2023, đã thực hiện chính sách về khoán bảo vệ rừng cho đồng bào DTTS với tổng diện tích thực hiện 211.336,50 ha/6.700 hộ; tổng kinh phí phân khai là 67.595,053 triệu đồng, đã giải ngân 64.090,095 triệu đồng. Trong đó, năm 2021: Diện tích thực hiện khoán bảo vệ rừng là 57.342,09 ha/1.509 hộ; kinh phí phân khai là 11.532,602 triệu đồng; Năm 2022: Diện tích thực hiện khoán bảo vệ rừng là 65.063,40 ha/2.176 hộ; kinh phí phân khai là 20.834,274 triệu đồng;Năm 2023: Diện tích thực hiện khoán bảo vệ rừng là 88.931,01 ha/3.015 hộ; kinh phí phân khai là 35.228,177 triệu đồng, đã giải ngân 32.006,68 triệu đồng.
Với chính sách trên đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào; các hộ nhận khoán ngày càng nâng cao nhận thức, thường xuyên phối hợp tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét các trọng điểm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; tình trạng phá rừng làm rẫy và khai thác rừng trái pháp luật trên diện tích rừng nhận khoán bảo vệ đã giảm đáng kể qua từng năm.
Tuy nhiên, diện tích quản lý bảo vệ rừng rộng, địa hình hiểm trở, phức tạp, có nhiều khu vực giáp ranh, xen kẽ với các hộ dân vùng ven rừng có nguồn sống phụ thuộc vào rừng nên việc tuần tra bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng gặp nhiều hạn chế, nhất là vào mùa khô. Để bảo vệ tốt diện tích rừng được giao khoán cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác khoán bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục tham gia bảo vệ rừng; hỗ trợ kinh phí khoán bảo vệ rừng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào gắn với bảo vệ rừng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu./.
Đăng Diện