Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Trong nhiều năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS &MN) luôn được tỉnh Bình Thuận quan tâm chỉ đạo thực hiện.
Từ năm 2015 đến nay, Ban Dân tộc đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, hiệu quả, đa dạng, phù hợp với đặc điểm, đối tượng là đồng bào DTTS, như: Đã thực hiện trên 100 lớp/6.000 lượt người tham dự hội nghị, tập huấn các Đề án theo Quyết định 498, 1163, 12 của Thủ tướng chính phủ; photo, in ấn 1.200 tập tài liệu, phát hành 15.000 tờ gấp, tờ rơi; Tổ chức 14 đợt hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động và tuyên truyền, phổ biến pháp luật với 649 người tham dự; xây dựng 07 mô hình và 14 nhóm nòng cốt về đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL; Tổ chức Hội thi sân khấu hóa tìm hiểu chính sách, pháp luật trong thực hiện truyền thông về giảm nghèo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Trên địa bàn tỉnh có 95 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh (trong đó, có 01 báo cáo viên là người dân tộc thiểu số, có trình độ chuyên môn Thạc sĩ); 215 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 1.388 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã (trong đó, có 108 tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS); có 92 vị là Người có uy tín, 22 già làng và 130 chức sắc, chức việc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hằng năm, các báo cáo viên, tuyên truyền pháp luật (trong đó có tuyên truyền viên, báo cáo viên là người DTTS) đều tham gia bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp cho đội ngũ trên chủ động nắm tình hình dư luận xã hội, đời sống, sản xuất, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, tham gia ngăn ngừa, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ và kịp thời phản ánh, báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhờ đó, nhận thức của đồng bào về chính sách, pháp luật ngày một nâng lên; tình hình vi phạm pháp luật và đơn thư khiếu kiện vượt cấp giảm; vệ sinh môi trường nhiều nơi được cải thiện; việc tang, lễ trong đồng bào có nhiều tiến bộ, các tập tục lạc hậu trong lễ hội, ma chay có xu hướng gọn nhẹ, bớt rườm rà; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm hẳn… góp phần ổn định tỉnh hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS & MN.
Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương có lúc, có việc chưa chặt chẽ dẫn đến chồng chéo trong triển khai, thực hiện. Tài liệu tuy được soạn thảo đầy đủ nhưng còn đơn điệu, thiếu hình ảnh minh họa; hình thức chủ yếu là tuyên truyền miệng, từ đó, chưa thu hút được sự quan tâm của đông đảo đồng bào. Các thiết bị, công cụ hỗ trợ để người dân tiếp cận với các thông tin ở vùng DTTS & MN còn thiếu thốn, kém hiệu quả. Một số báo cáo viên, tuyên truyền viên vùng DTTS còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ. Chưa có chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng DTTS ở vùng DTTS tham gia công tác PBGDPLNhận thức và khả năng tiếp cận với pháp luật, các chế độ chính sách liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế, do đó trong quá trình tuyên truyền, PBGDPL gặp nhiều khó khăn;…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS &MN trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:
1. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai và thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS &MN. Phát huy hơn nữa vai trò người có uy tín, chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản biết tiếng DTTS. Bởi lẻ, chính họ là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ở vùng đồng bào DTTS; là người tích cực, gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, thực hiện và vận động đồng bào hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phòng, chống các âm mưu chống phá đất nước của các thế lực thù địch, góp phần tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
2. Tăng cường tổ chức tập huấn, hội nghị, hội thảo, hội thi (bằng các hình thức phù hợp với vùng miền, địa phương), nhất là việc phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật kết hợp lồng ghép trực quan sinh động, sân khấu hóa... nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị tại vùng đồng bào DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn.
3. Quan tâm, xem xét và đề xuất ban hành chính sách khuyến khích, ưu đãi cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người DTTS, biết tiếng dân tộc thiểu số, Người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” để khuyến khích, động viên các tuyên truyền viên dành tâm huyết cho công tác này.
4. Thường xuyên tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các cơ sở thực hiện tốt nội dung, kế hoạch đã đề ra, định kỳ tổ chức sơ, tổng kết và đánh giá, xếp loại thi đua khen thưởng kịp thời cho các cá nhân, tổ chức điển hình trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật để rút kinh ngiệm và tìm các giải pháp khắc phục tồn tại đưa ra phương hướng trong thời gian tới./.
Vĩnh Tuyên