Một số kết quả đạt được trong chương trình phối hợp giữa Ban Dân tộc và Sở Khoa học và Công nghệ
19/09/2024
Thực hiện nội dung chương trình phối hợp, Ban Dân tộc và Sở Khoa học Công nghệ đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ; lồng ghép trong triển khai các chính sách hỗ trợ, xây dựng mô hình sản xuất mới.., góp phần cải thiện và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh.
Trồng chuối nuôi cấy mô của đồng bào xã Phan Lâm huyện Bắc Bình (ảnh: nguồn Internet)
Kết quả giai đoạn 2021-2023, đã tổ chức 30 lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ cho khoảng 1500 nông dân (trong đó có nông dân là người DTTS). Có 10 dự án được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức, hiện đã xúc tiến “Xây dựng mô hình nhân giống bằng công nghệ nuôi cấy mô và trồng thâm canh chuối già lùn tại tỉnh Bình Thuận”; theo đó, dự án bao gồm quy trình công nghệ, đào tạo kỹ thuật viên, sản xuất gần 18.000 cây chuối già lùn, với tổng diện tích 5 ha cho đồng bào DTTS. Mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Bắc Bình và Tuy Phong”. Dự án “Xây dựng mô hình xử lý nước nhiễm phèn phục vụ sinh hoạt cho các vùng bị tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nguồn nước ở các địa phương trong tỉnh”. Xây dựng mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo và mô hình trồng nấm rơm trong nhà cho các hộ dân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận”. Hoặc triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh gout từ loài địa y Roccella Montagnei;...
Trong năm 2023, dự án “Xây dựng mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai hướng thịt tại tỉnh Bình Thuận” giúp người dân vùng nông thôn, miền núi tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật để phát triển nghề chăn nuôi dê cũng được nghiệm thu. Kết quả đã xây dựng một mô hình nuôi dê tập trung với quy mô 90 dê cái (giống Bách Thảo) - 10 dê đực (giống Boer) tại đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ cùng mô hình nuôi phân tán dê lai tại 20 hộ dân trên địa bàn 2 huyện Tuy Phong, Bắc Bình. Nhờ đó cải thiện chất lượng đàn dê địa phương vốn chủ yếu bao gồm dê Cỏ và dê Bách Thảo với hạn chế là tầm vóc nhỏ, sản lượng thịt thấp hơn một số giống dê lai…; triển khai 01 dự án “Xây dựng mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo và mô hình trồng nấm rơm trong nhà cho các hộ dân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận”: Xây dựng 20 mô hình trồng nấm rơm trong nhà cho 20 hộ dân tại 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Ngoài ra, hiện nay, 01 đề tài khoa học cấp tỉnh đang triển khai “Phục tráng giống lúa Mẹ và xây dựng mô hình canh tác hữu cơ theo chuỗi giá trị tại các xã miền núi tỉnh” với mục tiêu phục tráng giống lúa Mẹ và xây dựng mô hình canh tác hữu cơ theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị kinh tế của giống lúa mẹ và cải thiện đời sống người dân các xã miền núi tỉnh Bình Thuận./.
Đ. Diện