Sở Giáo dục đào tạo quan tâm thực hiện chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND
27/04/2022
Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục cho học sinh ở vùng dân tộc thiểu số luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Thuận đặc biệt quan tâm. Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành chính sách giáo dục đặc thù rất thiết thực nhằm thúc đầy phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên đại bàn tỉnh là chính sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế, đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh các dân tộc thiểu số tăng thêm mức hỗ trợ để chi phí ăn, ở, học tập và sinh hoạt. Thông qua chính sách này, tiếp tục thu hút học sinh dân tộc thiểu số ớ các cấp đến trường cao hơn; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, đến nay có 7.426 học sinh được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 04/2021/NĐ-CP, trong đó: Dân tộc Cơ Ho: 2.749 học sinh; Dân tộc Raglai: 3.776 học sinh; Dân tộc Chơ ro; 771 học sinh; Dân tộc khác: 130 học sinh; Số học sinh thụ hưởng chính sách phân theo cấp học: Mầm non: 1.162 học sinh; Tiểu học: 4.623 học sinh; Trung học cơ sở: 1.641 em. Tổng kinh phí đã hỗ trợ: 6.785 triệu đồng, trong đó: hỗ trợ thường xuyên hàng tháng: 5.718 tỷ đồng, hỗ trợ sách giáo khoa: 1.067 tỷ đồng. Ngoài ra, năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã hỗ trợ cho 115 em sinh viên các trường đại học, cao đẳng với số tiền 1.626 triệu đồng.
Để tiếp tục hỗ trợ kịp thời cho học sinh, sinh viên trong thời gian tới, cần tiếp tục quan tâm, giải quyết một số vấn đề như: một số học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo chưa được cấp sổ kịp thời; một số học sinh thuộc đối tượng được hưởng chế độ có sự thay đổi do đi học không đều, bỏ học, chuyển đi nơi khác..do đó việc xét chế độ gặp khó khăn; việc quyết toán kinh phí về chế độ của học sinh theo năm tài chính mà học sinh thì học theo năm học nên gặp không ít khó khăn trong cân đối nguồn kinh phí của học kỳ II chuyển sang năm học tiếp theo./.
V. Đ. Diện