Bình Thuận ban hành Kế hoạch Cải cách hành chính nhà nước năm 2023
Ngày 20/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch số 4344/KH-UBND về Cải cách hành chính nhà nước năm 2023. Nội dung kế hoạch đề ra 7 nhiệm vụ; trong đó, tập trung những nội dung trọng tâm, cụ thể:
Về Cải cách thể chế: Tiếp tục tham mưu hoàn thiện, ban hành đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Thường xuyên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản QPPL; kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định chồng chéo, mâu thuẫn, trái pháp luật. Thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tăng cường ứng dụng CNTT…
Về Cải cách thủ tục hành chính (TTHC): Tổ chức rà soát, kịp thời phản ánh, kiến nghị với các bộ, ngành về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định. Thống kê, công bố, công khai TTHC nội bộ thuộc phạm vi chức năng quản lý. Tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; có giải pháp giảm tỷ lệ trễ hẹn trong giải quyết; nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức khi để xảy ra trễ hẹn…
Về Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước: Tiếp tục tổ chức thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2022 – 2025; Kế hoạch tinh giản biên chế sự nghiệp giai đoạn 2022 – 2026; Hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định…
Về Cải cách chế độ công vụ: Hoàn thành phê duyệt vị trí việc làm của cơ quan, tổ chức hành chính; phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định. Nghiêm túc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu trong thực thi công vụ...
Về Cải cách tài chính công: Rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý được giao tự chủ tài chính theo phương án thu, chi tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai tự bảo đảm chi thường xuyên. Rà soát các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác thuộc phạm vi quản lý có đủ điều kiện để chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư. Tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần thuộc phạm vi quản lý giai đoạn 2023 - 2025.
Về Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số: Thực hiện kết nối, liên thông các hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác với Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Triển khai thực hiện việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành....
Về Công tác chỉ đạo, điều hành: Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ CCHC được giao;... Chủ động đề xuất áp dụng, nhân rộng các sáng kiến, mô hình mới và các giải pháp có tính đột phá để nâng cao hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện CCHC tại các cơ quan và địa phương…/.
D. Huyền