Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ tám Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính
Sáng 15/7/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ đã chủ trì phiên họp thứ tám của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự phiên họp tại điểm cầu Bình Thuận có đồng chí Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận. Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 400/991 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 40,36% so với kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.327/3.009 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 44,1% so với kế hoạch đề ra. Đã cắt giảm, đơn giản hóa 168 quy định kinh doanh, 247 TTHC, giấy tờ công dân; thực thi phương án phân cấp đối với 108 TTHC; Thủ tướng đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 40 TTHC nội bộ và phê duyệt theo thẩm quyền phương án đơn giản hóa 151 TTHC nội bộ. Kết quả nhiều chỉ số của Việt Nam được thăng hạng. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc, xếp thứ 106 trong bộ chỉ số tự do kinh tế thế giới, tăng 04 bậc so với năm 2022; xếp thứ 46/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 02 bậc so với năm 2022;…
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại, phân tích các nguyên nhân, đồng thời, chia sẻ nhiều sáng kiến mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến, qua đó, đề xuất phương hướng, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2024.
Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm, tinh thần "5 đẩy mạnh" gồm: Đẩy mạnh rà soát các quy định, tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước; đẩy mạnh đối thoại, chia sẻ, xử lý vướng mắc, bất cập cho người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng chống, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, số hóa dữ liệu, hồ sơ; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên tất cả các lĩnh vực, tất cả các giao dịch./.
D. Huyền