Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”
18/07/2023
Với mục tiêu nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức đại diện doanh nghiệp; giữa Nhà nước và doanh nghiệp với các tổ chức cung ứng dịch vụ pháp lý trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; đồng hành với doanh nghiệp, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; đồng thời, huy động sự tham gia của các cá nhân, tổ chức trong việc nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ngày 12/7/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Theo đó, nội dung Kế hoạch đã đề ra 03 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:
Một là, hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, gồm: (1) Tham gia góp ý dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ; (2) Rà soát các văn bản QPPL của tỉnh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tăng cường khảo sát, kịp thời đối thoại với doanh nghiệp nhằm xác định các khó khăn, vướng mắc pháp lý để đề xuất hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; (3) Tổ chức đoàn công tác đi khảo sát, học tập kinh nghiệm trực tiếp về hoạt động hỗ trợ hoạt động pháp lý cho doanh nghiệp.
Hai là, nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật; gồm: (1) Tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Rà soát, bố trí CC,VC làm đầu mối hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại cơ quan, đơn vị; (2) Tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư trong việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ pháp lý; (3) Triển khai các hoạt động truyền thông phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp...
Ba là, triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; gồm: (1) Tổ chức hội nghị đối thoại giữa các cơ quan có thẩm quyền với doanh nghiệp (2) Triển khai, nhân rộng mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả, thiết thực; (3) Đánh giá, kiểm tra, khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
UBND tỉnh giao Sở tư pháp chủ trì triển khai thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021 - 2030; hướng dẫn các cơ quan, địa phương việc thực hiện nội dung Đề án theo Kế hoạch này; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành thực hiện lồng ghép, gắn các hoạt động triển khai thực hiện Đề án với các chương trình, đề án khác có phạm vi, đối tượng tương đồng, đang được thực hiện bảo đảm thống nhất, tiết kiệm, hiệu quả./.
D. Huyền