Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng kể từ khi thanh lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại Ban Dân tộc
TỔNG KẾT CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG KỂ TỪ KHI THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
TẠI BAN DÂN TỘC
Trong những năm qua, tình hình tham nhũng vẫn tiếp tục diễn ra ngày càng tinh vi, nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt lớn làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng ngân sách Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế; xây dựng cơ bản... từ đó đã làm giảm niềm tin của nhân dân đối với cơ quan công quyền của Nhà nước. Thực hiện các chính sách dân tộc cũng là một trong những lĩnh vực cần quan tâm và có những biện pháp phòng ngừa tham nhũng, đặc biệt là các khâu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc các dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhận thức được những vấn đề đó và để thực hiện nghiêm túc chỉ đạo theo nội dung Nghị quyết TW 3 (khóa X) của BCH TW Đảng về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Cấp ủy, lãnh đạo Ban Dân tộc đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trước hết cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc đã triển khai thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, các Nghị quyết, Chỉ thị của cấp trên trong các cuộc họp cơ quan, chi bộ hàng tháng. Qua đó, đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là sự gương mẫu thực hiện của đảng viên trong Chi bộ.
Song song với công tác tuyên truyền, Chi bộ Ban Dân tộc còn thực hiện việc đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại các cuộc họp Chi bộ định kỳ hàng tháng; qua đó, đã tạo điều kiện cho đảng viên, công chức, viên chức và người lao động nắm được các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở đó, tích cực đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, sử dụng ngân sách Nhà nước, nâng cao trách nhiệm phục vụ đồng bào dân tộc.
Ban Dân tộc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng có các thành viên là đại điện cho cấp ủy, lãnh đạo Ban và lãnh đạo các phòng chuyên môn. Tuy nhiên, do hoạt động kiêm nhiệm nên quá trình triển khai thực hiện trong việc tuyên truyền các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, gặp nhiều lúng túng và chưa kịp thời.
Tình hình tham nhũng thời gian gần đây trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội vẫn diễn ra hết sức phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và an sinh xã hội, làm thất thoát ngân sách Nhà nước và giảm lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số đối với cơ quan quản lý Nhà nước và việc thực hiện các chính sách dân tộc. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra thuộc lĩnh vực chính sách dân tộc cho thấy, nhiều địa phương, đơn vị thực hiện chưa đúng các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng, Chương trình 135. Từ những vấn đề nêu trên cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước và sự giám sát của nhân dân góp phần hạn chế đến mức thấp nhất lãng phí Ngân sách và phòng ngừa tham nhũng có kết quả.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, cần tập trung vào các vấn đề sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền và tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đi đôi với việc tự rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trước hết là cán bộ Đảng viên để quần chúng noi theo.
Hai là, chú trọng việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát nhất là đội ngũ Đảng viên và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường giám sát việc chi tiêu nội bộ.
Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách dân tộc được đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập, không hợp lý để tránh tình trạng lãng phí nguồn vốn đầu tư./.
Võ Thị Nhung – Thanh tra Ban