Đề xuất một số giải pháp để tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc
Tỉnh Bình Thuận có số lượng thanh niên chiếm gần 30% dân số và hơn 50% lao động toàn tỉnh; trong đó, thanh niên là dân tộc thiểu số (DTTS) là 19.865 người; tổng số đoàn viên toàn tỉnh 49.472 người, trong đó đoàn viên là DTTS có 2.492 người, chiếm tỷ lệ 5,03%. Đa số thanh niên DTTS đều có trình độ học vấn và kỹ năng nghề nghiệp; có đạo đức, lối sống lành mạnh; có ý chí vươn lên trong lập thân, lập nghiệp, trách nhiệm, đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng quê hương. 

    Việc tập hợp thanh niên DTTS tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là một vấn đề hết sức quan trọng trong tình hình hiện nay. Với nhận thức đó, trong thời gian qua, Ban Dân tộc đã chủ động đề xuất, tham mưu, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, từ đó đã tạo được việc làm, tăng thu nhập và ổn định cuộc sống cho các hộ đồng bào DTTS; trong đó, luôn đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn thanh niên DTTS tham gia phát triển kinh tế để tăng nguồn thu nhập cho gia đình, thực hiện phong trào thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng, chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tiêu biểu. Kết quả, trong 10 năm (2011- 2021), Ban Dân tộc đã tham mưu phối hợp giải quyết cấp đất sản xuất cho 5.726,45 ha/5.375 hộ; giao khoán quản lý, bảo rừng với 86.179,42 ha/2.379 hộ; tổ chức 3.122 lớp tập huấn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và xây dựng 50 mô hình trình diễn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 202.489 lượt hộ/5.683 triệu đồng; triển khai thực hiện 22 mô hình hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản 400 con/400 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; 02 mô hình trồng cây điều cao sản cho 77 hộ/52,5ha; tổ chức đào tạo nghề cho 17.511 lao động (trong đó, có 746 người có trình độ trung cấp và 16.765 người có trình độ sơ cấp), nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo lên 17,6% so với tổng số lao động người dân tộc thiểu số; giải ngân vốn vay tín dụng cho 371.694 triệu đồng/11.225 hộ (chiếm tỷ lệ 45% trong tổng số hộ DTTS toàn tỉnh); khôi phục, phát triển 03 làng nghề gốm và dệt  trong vùng đồng bào DTTS…Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã tích cực, chủ động triển khai nhiều phong trào hành động cụ thể, thiết thực để tập hợp, thu hút thanh niên DTTS tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, như: Phong trào “Học tập tốt vì ngày mai lập nghiệp” được tập trung triển khai với nhiều mô hình sáng tạo và phương thức học tập mới, phù hợp, giúp cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt, cập nhật và tiếp thu những kiến thức khoa học mới, nhất là những kiến thức khoa học kỹ thuật công nghệ hiện đại. Hay là các phong trào: “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”,Tuổi trẻ Bình Thuận chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Làm Thủy lợi nhỏ”, “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”

    Từ những kết quả trên, đã xuất hiện nhiều gương thanh niên trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa, làm kinh tế giỏi với các mô hình tiêu biểu, làm hạt nhân nhân rộng trong thanh niên tại các địa bàn; nhiều mô hình sản xuất thành công trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đem lại giá trị, thu nhập đáng kể; nhiều công trình, phần việc thanh niên thiết thực, ý nghĩa trong xây dựng nông thôn mới có sự tham gia đóng góp ngày công, vật chất; nhiều gương làm tốt công tác vận động các tổ chức, cá nhân, người thân đóng góp vật chất, tinh thần để hỗ trợ địa phương, điển hình như: Anh Mang Văn Dương, dân tộc Raglay, xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam; chị Nguyễn Thị Giang,Dân tộc Raglay, xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam; anh Võ Văn Hùng, dân tộc Châu Ro, xã Trà Tân, huyện Đức Linh được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tuyên dương gương thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi cấp Tỉnh, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của – Giải thưởng cao quý dành cho thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi và có nhiều cống hiến trong công tác Đoàn – Hội; anh Ức Viết Vòng, dân tộc Chăm, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tuyên dương tại Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, Hồ Chí Minh’’, được UBND tỉnh chọn cử tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc thứ X, tham dự Đại hội đại biểu các thiểu số toàn quốc lần thứ 2, năm 2020…

Ảnh: Anh Ức Viết Vòng (thứ 4 từ trái qua) chụp ảnh cùng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận tại Đại hội đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam năm 2020.

    Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng nghiêm túc nhìn nhận một số vấn đề còn khó khăn, hạn chế; đó là. Công tác triển khai các phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội” tuy đã đạt được một số kết quả nhưng chưa đáp ứng được hết nhu cầu của thanh niên vùng đồng bào DTTS. Các mô hình hỗ trợ thanh niên làm kinh tế được triển khai thực hiện nhưng chưa nhiều. Một số thanh niên còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn vay; chưa có giải pháp cụ thể trong hỗ trợ thanh niên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, một số thanh niên bằng lòng với cuộc sống hiện tại, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên; chưa thật sự cần cù, sáng tạo trong lao động, ít chịu khó làm ăn…

    Để vận động tập hợp thanh niên các DTTS tham gia phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc có hiệu quả cần thực hiện một số giải pháp sau:

    Cần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng đối công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên tham gia các phong trào tại địa phương; trong đó, phải sâu sát, gắn bó với thanh niên, với đời sống cũng như các phong trào và hoạt động của họ, nhất là việc hiểu được tâm lý, tình cảm, nhu cầu, thị hiếu, nguyện vọng của họ. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của phong trào gắn với nhu cầu và lợi ích chính đáng của thanh niên, trong đó có nhu cầu về cống hiến để trưởng thành, nhu cầu về kinh tế, vui chơi giải trí.

    Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai các hoạt động đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất ở vùng dân tộc, cũng như các hoạt động khác có liên quan đến quyền, lợi ích và phong trào hành động trong đoàn viên, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên xây dựng các tổ ủy thác vay vốn do thanh niên quản lý. Mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên dân tộc thiểu số. Xây dựng và nhân rộng các mô hình thanh niên dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi…

    Tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ thanh niên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; nhất là việc phối hợp, đề xuất xây dựng chính sách đặc thù cho thanh niên vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ xây dựng các mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào; đồng thời, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong việc tham gia thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030./.

D. Huyền

Tin khác
1 2 3 4 
Cải cách hành chính

Điểm tin cải cách hành chính

VĂN BẢN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG DVC TRỰC TUYẾN VÀ DV BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

HƯỚNG DẪN TTHC LIÊN THÔNG
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
       Trang Thông Tin Điện Tử Ban Dân Tộc
Địa chỉ: 408 Thủ Khoa Huân, TP. Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 0252 3812440
Email: bdt@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang

Designed by VNPT