Một số giải pháp để thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng tài sản công
Căn cứ các văn bản quy định về Quản lý, sử dụng tài sản công, nhất là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Ban Dân tộc đã ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công (Quyết định số 66/QĐ-BDT ngày 29/ 01/2019); đồng thời, đã chỉ đạo triển khai và thực hiện đảm bảo công khai, dân chủ theo quy định, cụ thể:
Việc đầu tư xây dựng, mua sắm, xử lý tài sản công được thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Tài sản sau khi mua sắm, bàn giao, thanh lý được hạch toán vào sổ sách kế toán và báo cáo kê khai tài sản công theo đúng quy định. Trang thiết bị và phương tiện phục vụ công tác được trang bị đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức. Tài sản công được giao cho từng bộ phận, từng phòng và cá nhân có trách nhiệm bảo quản, sử dụng, không có trường hợp sử dụng tài sản công vào việc riêng. Định kỳ cuối năm, cơ quan, đơn vị lập Hội đồng kiểm kê tài sản để xác định tài sản thừa, thiếu, hư hỏng không sửa chữa được đề xuất xử lý, thanh lý, hủy bỏ theo quy định.
Bên cạnh đó, thực hiện công khai, minh bạch dự toán, kế hoạch đầu tư, mua sắm, kết quả mua sắm, xử lý tài sản và công khai tình hình quản lý, sử dụng tài sản công đúng quy định. Thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản và đăng trên Trang tin điện tử của Ban. Thông báo đấu giá và giá bán tài sản thanh lý được công khai trên bảng thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Ban Dân tộc đã mở tài khoản đăng nhập Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, việc theo dõi, phản ánh tài sản trên sổ kế toán hiện nay vẫn đang sử dụng phương pháp quản lý thủ công (quản lý bằng hồ sơ giấy, cập nhật thủ công bằng file excel), chưa có phần mềm quản lý. Do đó, tài sản chưa được theo dõi, lưu trữ có hệ thống xuyên suốt qua các năm, ảnh hưởng đến việc xác định giá trị tài sản khi kiểm kê; Việc cập nhật, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công chưa được triển khai thường xuyên.
Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai và thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng tài sản công đạt hiệu quả, cần tập trung một số giải pháp:
Một là, cần có phần mềm hỗ trợ quản lý tài sản tại cơ quan, đơn vị để đảm bảo theo dõi chặt chẽ tài sản và phục vụ công tác kiểm kê, thanh tra; hỗ trợ cập nhật tình trạng tài sản một cách chính xác và minh bạch nhất. Điều này giúp loại bỏ những sai sót của hình thức quản lý theo phương pháp thủ công, truyền thống.
Hai là, công chức, viên chức làm công tác quản lý tài sản công cần được tham gia, bồi dưỡng các lớp tập huấn nghiệp vụ, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Ba là, tiếp tục tăng cưởng công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, đơn vị đảm bảo công khai, dân chủ và hiệu quả/.
T.T. Thu