Bài học kinh nghiệm trong triển khai công tác thi đua khen thưởng 5 năm 2015 - 2020
Thực hiện Hướng dẫn số 02/HD-HĐTĐKT, ngày 26/02/2020 của Hội đồng thi đua tỉnh Bình Thuận về việc Hướng dẫn một số nội dung liên quan chuẩn bị Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Bình Thuận lần thứ VIII, năm 2020, Ban Dân tộc đã ban hành Báo cáo số 361/BC-BDT, ngày 01/6/2020, qua đó đã đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời rút ra một số bài học kinh nghiệm trong thực hiện công tác thi đua khen thưởng của Ban nói riêng và của tỉnh Bình Thuận nói chung, cụ thể như sau:
- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến” và các văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Xác định được chủ đề, mục đích, ý nghĩa, hình thức, nội dung và tiêu chí của phong trào thi đua. Phong trào thi đua càng thiết thực, cụ thể thì hiệu quả đạt được càng cao. Cần có phương pháp, định hướng thiết thực, rõ ràng, kiên quyết chống bệnh hình thức: nói cho hay, cho nhiều chứ không làm hoặc làm không kết quả; đồng thời gắn nhiệm vụ chung với nhiệm vụ cụ thể, động viên tinh thần kết hợp với khen thưởng vật chất xứng đáng, kịp thời. Đây là cơ sở để thực hiện tốt công tác dân vận trong tình hình mới.
- Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng từ trung ương đến cơ sở. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cần quan tâm xây dựng bộ máy, cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng; tuyển chọn cán bộ, công chức có đủ phẩm chất năng lực, kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu công tác. Thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nâng cao kiến thức, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức chuyên trách về công tác thi đua, khen thưởng để làm tốt công tác tham mưu có hiệu quả.
- Việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ và kịp thời.
- Tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm giữa các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào thi đua, thực hiện hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua sẽ làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân như tinh thần Chỉ thị số 39/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa IX) đã nêu./.
Trần Thị Mỹ Vân