Tổng kết, đánh giá thực hiện Chương trình 135 (giai đoạn 2016-2020) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Giai đoạn 2017-2020 tỉnh Bình Thuận được Trung ương tiếp tục hỗ trợ đầu tư Chương trình 135 cho 9 xã và 20 thôn (giảm 1 xã và 1 thôn so với năm 2016). Đến năm 2020 theo Quyết định số 958/QĐ-UBDT ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Ủy ban Dân tộc; tỉnh Bình Thuận chỉ còn 9 xã và 9 thôn đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình 135 (giảm 11 thôn so với năm 2017).
Với tổng nguồn vốn được giao trong giai đoạn (2016-2020) trên 110 tỷ đồng; đã triển khai thực hiện đạt được một số kết quả như sau:
- Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng: Đã phân bổ vốn triển khai thực hiện 147 công trình; với tổng mức đầu tư gần 182 tỷ đồng. Kết quả đầu tư đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân các thôn, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh; công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư đã được quan tâm hơn, có sự phân công, phân cấp cụ thể nhất là đơn vị, địa phương được hưởng thụ nhằm phát huy hiệu quả sử dụng công trình sau đầu tư một cách bền vững. Trong giai đoạn 2016-2019, đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 134 công trình (giao thông 83 công trình, thủy lợi 12 công trình, y tế 03 công trình, trường học 18 công trình, điện 02 công trình, nước sinh hoạt 01 công trình, nhà sinh hoạt cộng đồng 15 công trình); Từ đó, góp phần tăng thêm cơ sở vật chất thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế -xã hội toàn vùng, những khó khăn bức xúc của đồng bào được từng bước giải quyết. Đến nay, hệ thống giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số khá hoàn chỉnh; trường lớp được đầu tư nâng cấp; chất lượng dạy và học được nâng lên; tỷ lệ học sinh các cấp đến trường ngày càng tăng. Mạng lưới y tế tiếp tục được củng cố, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, triển khai hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 34/36 công trình duy tu bảo dưỡng, với tổng mức đầu tư trên 6 tỷ đồng (giao thông 05 công trình, thủy lợi 02 công trình, trường học 12 công trình, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng 15 công trình);
- Hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế : Đã triển khai hỗ trợ 24.000 giống cây điều ghép cao sản PNI; với diện tích 60 ha; Hỗ trợ giống bò sinh sản lai sind và bò vỗ béo 434 con; bò đực giống 03 con; trâu 05 con; heo 12 con; dê giống 533 con; Hỗ trợ xây dựng chuồng trại 25 chuồng; Hỗ trợ giống 04 mô hình trồng cây bắp lai/4.178 kg giống; 01 mô hình trồng cây xoài Đài Loan/700cây giống; 01 mô hình trồng cây đậu xanh/180 kg giống; 02 mô hình trồng cây đậu đen xanh lòng/1.080 kg giống; 01 mô hình nuôi bò 8 con; 02 mô hình nuôi dê 38 con; 01 mô hình chăn nuôi gà thả vườn/600 con giống; hỗ trợ phân bón các loại 105.016 kg, thuốc bảo vệ thực vật 3.951 liều; thuốc thú y 2.400 gram; máy phun thuốc BVTV và cần xịt dự phòng 11 cái; hỗ trợ giống bắp 1.305 kg; giống đậu đen 1.410 kg; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 774 lượt người tham dự; với tổng kinh phí được giao 12,186 tỷ đồng/1.429 hộ thụ hưởng. chương trình cơ bản đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất chủ yếu; được nhân dân và cán bộ địa phương hưởng lợi đồng tình ủng hộ, việc tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, tập huấn kỹ thuật, giúp đồng bào có thêm kiến thức phát triển sản xuất, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
- Nhân rộng mô hình giảm nghèo: Triển khai thực hiện 07 mô hình hỗ trợ nuôi trâu, bò sinh sản 116 con/116 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; 01 mô hình trồng cây điều cao sản cho 30 hộ nghèo/ 26,5ha; với tổng kinh phí được giao 1,747 tỷ đồng.
- Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở với mục tiêu đào tạo cho cán bộ thôn, xã nâng cao năng lực lãnh đạo và điều hành, nâng cao kiến thức quản lý chuyên môn nghiệp vụ để vận dụng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình địa phương. Đã triển khai nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở 15 lớp/631 học viên bồi dưỡng các lớp nâng cao nghiệp vụ và 48 lớp/2.279 người tham dự về phổ biến các chủ trương của Đảng, các chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc, với tổng kinh phí được giao trên 2 tỷ đồng.
Có thể nói, Chương trình 135 là một trong những chính sách dân tộc quan trong nhất trong hệ thống chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng dân tộc và miền núi; tăng cường cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân vùng đặc biệt khó khăn; tác động tích cực trong công tác công tác giảm nghèo. Đầu năm 2016, hộ nghèo vùng thụ hưởng Chương trình 135 chiếm tỷ lệ 35,95%; đến đầu năm 2020, giảm còn 13,75%. Như vậy kết quả giảm nghèo đến năm 2020 (so với năm 2016) là 22,2% (tương ứng giảm 5,55%/năm).
Chương trình 135 đã gắn kết được các chương trình khác; đặc biệt là Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển toàn diện dân sinh kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; thể hiện tình cảm, trách nhiệm, quan tâm của Đảng và Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và địa phương từ tỉnh đến cơ sở trong việc góp phần chăm lo đời sống, sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, đã đạt được những mục tiêu quan trọng trên mọi lĩnh vực chính trị - kinh tế -xã hội của các xã đặc biệt khó khăn. Bộ mặt nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số có bước phát triển tích cực, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện rõ nét, bước đầu đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, tỷ lệ đói nghèo giảm nhanh, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc trong tỉnh, rút ngắn dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng, giữa các khu vực trong tỉnh, nhằm thực hiện công bằng xã hội, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Góp phần tích cực và thiết thực để ổn định tình hình An ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
HỒ THỊ KIM LỆ