Trước nhiều ảnh hưởng của dịch Covid - 19, giá cả vật tư tăng cao… người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được tạo điều kiện phát triển sản xuất, từng bước cải thiện đời sống.
Nhiều chính sách dân tộc đặc thù giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo.
Toàn tỉnh có 34 dân tộc thiểu số với 24.187 hộ/101.733 khẩu, chiếm 8% dân số toàn tỉnh. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động nắm chắc tình hình đời sống của đồng bào DTTS, nhất là ở những vùng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19. Từ đó, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt thực hiện nghiêm phòng chống dịch Covid – 19 trong các dịp lễ, tết như Tết Katê, Ramưwan truyền thống, Tết Đầu lúa.
Sản xuất nông nghiệp ở nhiều vùng đồng bào DTTS trong tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế. Bà con đã mạnh dạn đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, trồng thanh long, thâm canh cây điều ghép bưởi da xanh, trồng mít, sen lấy hạt, chăn nuôi gà an toàn sinh học... Nhiều nông dân đồng bào DTTS trở thành những điển hình sản xuất giỏi như hộ Bá Thị Thủy Diễm ở xã Phan Hòa, T sằn Boi Lộc ở xã Hải Ninh, Thông Sông ở xã Đông Tiến...
Trong năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh đã thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, chính sách an sinh xã hội thuộc lĩnh vực công tác dân tộc của Trung ương và chính sách đặc thù của địa phương. Đáng chú ý là chính sách đầu tư ứng trước, trợ cước vận chuyển đã giúp bà con yên tâm sản xuất. Trung tâm Dịch vụ miền núi tỉnh đã thực hiện cung ứng cho 910 hộ sản xuất trên diện tích 1.577,9 ha với tổng số tiền đầu tư hơn 10,5 tỷ đồng. Đến nay, trung tâm đã hoàn thành thu mua trên 5.200 tấn bắp lai thương phẩm trị giá trên 25 tỷ đồng, thu mua 900 tấn lúa thương phẩm trị giá trên 5 tỷ đồng, 35 tấn mủ cao su trị giá 0,5 tỷ đồng. Tổng doanh thu năm 2021 đạt 43 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch được giao. Cùng với đó, công tác giao khoán bảo vệ rừng thời gian qua đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sinh kế cho bà con vừa nâng cao nhận thức người dân trong quản lý, bảo vệ rừng. Hiện vùng đồng bào DTTS vẫn duy trì ổn định trên 86.252 ha cho 2.381 hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng với tổng kinh phí thực hiện trên 20,2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Tân – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh quan tâm vận động đồng bào phát huy hiệu quả sử dụng đất sản xuất do Nhà nước cấp; duy trì, phát huy hiệu quả công tác nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng; đầu tư ứng trước… Ban phối hợp với các ngành chức năng địa phương tăng cường vai trò phối hợp, rà soát các chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi một số cây trồng giúp bà con thay đổi tập quán sản xuất, tăng giá trị nông sản. Nhằm giúp các hộ đồng bào DTTS thoát nghèo nhanh và bền vững trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua thực hiện đề án không chỉ huy động nguồn lực lồng ghép các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng mà còn tăng cường hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã duy trì và mở rộng liên kết sản xuất để nâng cao thu nhập, tạo động lực phát triển toàn diện khu vực đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Nguồn: Báo Bình Thuận