Thực hiện công tác kiểm tra giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số
01/12/2021
Thực hiện Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021; theo đó, Ban Dân tộc đã tổ chức kiểm tra việc chi trả kinh phí giao khoán bảo vệ rừng tại thôn Chăm, xã Tân Thuận do Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (đơn vị chủ rừng) thực hiện năm 2020.
Ông Nguyễn Minh Tân – Trưởng Ban Dân tộc triển khai Quyết định kiểm tra tại BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu.
Qua kết quả kiểm tra, cho thấy: Đơn vị chủ rừng đã phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc nhận khoán quản lý bảo vệ theo Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy đến đồng bào dân tộc hiểu, hưởng ứng và đăng ký tham gia thực hiện. Đối với những hộ không còn khả năng lao động, đơn vị chủ rừng tiến hành thanh lý hợp đồng giao khoán và bổ sung hộ mới thay thế để ký hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo quy định.
Kết quả thực hiện trong năm 2020, đơn vị chủ rừng đã tiến hành chi trả tiền công nhận khoán cho 31 hộ/1.147,9 ha/229,58 triệu đồng.
Song song đó, đơn vị chủ rừng cũng đã chỉ đạo các Trạm quản lý hướng dẫn các hộ thường xuyên kiểm tra, bảo vệ rừng và tăng cường vai trò giám sát của các Trạm thuộc đơn vị chủ rừng. Từ việc phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa hộ nhận khoán với các Trạm thuộc quản lý chủ rừng; việc quản lý bảo vệ diện tích rừng đã đưa vào giao khoán cho các hộ được tốt hơn, ngăn chặn cơ bản việc phá rừng làm rẫy diễn ra ở những năm chưa thực hiện giao khoán bảo vệ rừng.
Công tác kiểm tra, nghiệm thu trước khi lập thủ tục chi trả cũng đã được chủ rừng thực hiện theo quy định tại Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/10/2019 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh. Đối với việc chi trả tiền công giao khoán cho các hộ, đơn vị chủ rừng thực hiện theo các quý/năm; việc chi trả tiền rừng được thực hiện đúng đối tượng hộ nhận khoán, đúng định mức theo diện tích rừng nhận khoán cho hộ nhận khoán. Hồ sơ thanh toán đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ theo quy định. Công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng đã góp phần giúp đồng bào có thêm nguồn thu nhập (bình quân hộ thu nhập 7,4 triệu đồng/năm).
Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhằm tiếp tục phát huy những ưu điểm cũng như khắc phục những hạn chế qua công tác kiểm tra, đề nghị đơn vị chủ rừng cần tập trung thực hiện các nội dung sau:
Một là, Tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền đến các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thực hiện nhận khoán quản lý bảo vệ rừng để đồng bào hiểu đầy đủ ý thức, trách nhiệm và lợi ích trong việc tham gia nhận khoán nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo diện tích rừng nhận khoán phát huy hiệu quả chính sách giao khoán rừng.
Hai là, Tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác kiểm tra, đôn đốc, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa UBND các xã và lực lượng kiểm lâm địa bàn; nâng cao vai trò tự quản hoạt động tổ giao khoán và hộ nhận khoán trong việc tuần tra, bảo vệ rừng. Nghiên cứu hình thức phù hợp triển khai thực hiện việc cho phép các hộ nhận khoán tận thu các nguồn lợi dưới tán rừng theo quy định của pháp luật để tăng thêm thu nhập cho hộ nhận khoán yên tâm thực hiện tốt trong công tác bảo vệ rừng./.
Kiểm tra thực trạng rừng giao khoán tại BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu.
V.T. Nhung