Tiếp tục quan tâm phát triển làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
29/09/2021
Rà soát, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống là nhiệm vụ được đặt ra trong thực hiện Nghị quyết số 17/2011/NQ-HĐND ngày 14/12/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.
Theo số liệu báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện có 03 làng nghề, đó là Làng nghề gốm gọ Bình Đức, xã Phan Hiệp, làng nghề dệt thổ cẩm xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình và làng nghề dệt thổ cẩm xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc). Tuy nhiên, hiện chỉ còn một Làng nghề gốm gọ Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình đang hoạt động, với khoảng 67 hộ/ 138 lao động thì có hơn 30 hộ/ 100 lao động tham gia sản xuất thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người khoảng 3 triệu đồng/ người/ tháng; thị trường tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và các tỉnh lân cận; 02 làng nghề dệt thổ cẩm xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình và làng nghề dệt thổ cẩm xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc đã ngưng hoạt động do không đạt tiêu chí theo quy định. Theo đó, Làng nghề dệt thổ cẩm xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình đã giải thể năm 2012 sau khi sắp xếp lại không đạt tiêu chí và Làng nghề dệt thổ cẩm xã La Dạ, huyện Hàm Thuận đã bãi bỏ danh hiệu làng nghề.
Tuy việc phát triển Làng nghề truyền thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh để khôi phục, phát triển, nhưng vẫn còn nhiều bất cập như máy móc thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, sản phẩm sản xuất ra kém hấp dẫn, mẫu mã lỗi thời, giá thành cao do làm thủ công, sức cạnh tranh yếu, không tìm được thị trường tiêu thụ, từ đó người dân không còn mặn mà với nghề truyền thống nên không tham gia làm nghề vì thu nhập thấp dẫn đến một số làng nghề phải giải thể hoặc xin chuyển đổi công năng. Mặt khác, do tác động của khoa học và công nghệ, cơ chế kinh tế thị trường,… nên Nghề gốm đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ, giá thành sản phẩm không ổn định, thu nhập của các gia đình và nghệ nhân làm gốm thấp… đã ảnh hưởng hưởng đến sự tồn tại và phát triển của Nghề gốm trong tương lai.
Từ những thực trạng nêu trên, việc khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số cần tiếp tục quan tâm đầu tư, nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, một mặt trưng bày, giới thiệu, quảng bá phục vụ bảo tồn, phát triển Nghề gốm, vừa phục vụ phát triển du lịch tại địa phương./.
V. Đ. Diện