Triển khai nhiều giải pháp để thực hiện tốt công tác dân tộc năm 2022
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn như tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài; giá vật tư tăng cao; một bộ phận đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn sản xuất; kết cấu hạ tầng tuy được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, nhất là các công trình giao thông nội đồng, hệ thống thuỷ lợi vừa và nhỏ, các cơ sở chế biến sau thu hoạch…đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống của các hộ đồng bào dân tộc.
Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương; cùng với sự nỗ lực của Ban Dân tộc, đồng bào các dân tộc thiểu số đã đoàn kết, khắc phục khó khăn và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, trong năm Ban Dân tộc đã triển khai hoàn thành 10/10 nhiệm vụ được UBND tỉnh giao (trong đó có 01 nhiệm vụ hoàn thành vượt kế hoạch). Các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, địa bàn và định mức quy định. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản ổn định; đồng bào yên tâm, tin tưởng và chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thi đua lao động sản xuất, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm 2022, ngành dân tộc xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phối hợp thực hiện tốt các chính sách đặc thù của tỉnh, như: Chế độ hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025; chính sách đầu tư ứng trước hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc…
Để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là: Tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, trong đó chú trọng chỉ đạo tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, địa phương; xem xét lồng ghép các chính sách trên cùng địa bàn để đảm bảo phát huy hiệu quả; Thực hiện việc kiểm tra thường xuyên về tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; việc quản lý đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu cho các xã, thôn từ nguồn vốn ngân sách giao cho UBND các huyện, thành phố quản lý. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, rà soát điều kiện và năng lực của các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án; kiểm tra đánh giá công tác thanh, quyết toán công trình theo đúng quy định; kịp thời đề xuất giải quyết những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý đầu tư và xử lý các trường hợp vi phạm trong việc sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí.
Hai là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy nội lực của cộng đồng, người dân trong tham gia thực hiện Chương trình. Thực hiện lồng ghép nguồn vốn chính sách đồng bộ, thống nhất, bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm,…
Ba là:Quan tâm hỗ trợ nguồn vốn đối ứng của tỉnh để thực hiện các chương trình, dự án, chính sách đầu tư trong vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số theo cơ cấu quy định của từng chương trình, dự án, chính sách nhằm phát huy mọi nguồn lực để đầu tư vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh và bền vững. Bổ sung nguồn lực duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số;
Bốn là: Tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách đặc thù của địa phương nhất là chính sách đầu tư ứng trước giúp các hộ đồng bào phát triển sản xuất; Đồng thời, tiếp tục rà soát, ban hành các chính sách mới thay thế cho các chính sách đã ban hành nhưng hết hiệu lực.
Năm là: Nắm tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhất là tình hình nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 để kịp thời tham mưu các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc./.
Vũ Đăng Diện