Lễ hội Katê của đồng bào Chăm năm 2022
21/10/2022
Dân tộc Chăm cư trú lâu đời ở tỉnh Bình Thuận, với dân số trên 40.000 người, chiếm tỷ lệ 30% dân số Chăm trong cả nước (sau tỉnh tỉnh Ninh Thuận), tập trung chủ yếu ở 4 xã thuần và 9 thôn xen ghép thuộc 6/10 huyện, thị thành phố của tỉnh Bình Thuận. Dân tộc Chăm hiện theo hai tôn giáo chính, đó là Bà la môn giáo và Hồi giáo (Bàni), đồng thời vẫn bảo lưu nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian bản địa và những hội lễ dân gian phản ánh sinh hoạt và cuộc sống cộng đồng. Cũng như các dân tộc khác trong tỉnh, đồng bào Chăm ở Bình Thuận có những lễ hội rất riêng, như: Lễ hội Ramưwan, lễ Rija Nưgar, lễ Chabun, đặc biệt là Lễ hội Katê. Chính những lễ hội này góp phần tạo thêm bức tranh văn hóa truyền thống của người Chăm mang những sắc thái rất độc đáo, rất phong phú và đa dạng trong nền văn hóa Việt Nam.
Di tích Tháp Pô Sah Inư tại Phường Phú Hài, Thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (Ảnh: Tuyết Mai).
Katê là một lễ hội truyền thống của dân tộc Chăm diễn ra vào đầu tháng 7 lịch Chăm (nhằm vào tháng 10 Dương lịch). Đây là lễ hội để tưởng nhớ đến các vị thần Ppo Klaung Girai, Ppo Rome…; lễ hội diễn ra trong một không gian lớn từ các đền, tháp đến làng, dòng họ và cuối cùng là gia đình; lễ hội được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp vào một trong 15 lễ hội lớn nhất ở Việt Nam.
Đặc biệt, theo kế hoạch của Sở Văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận, Lễ hội Katê năm 2022 được tổ chức công phu với nhiều hoạt động phong phú đa dạng, kết hợp với công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Katê của người Chăm tỉnh Bình Thuận vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, diễn ra tại di tích tháp Pô Sah Inư, khu phố 5, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết trong thời gian từ ngày 24/10 đến ngày 25/10/2002. Với mục đích giới thiệu, quảng bá giá trị và nét đặc sắc Lễ hội Katê với Nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Nâng cao nhận thức và hành động của đồng bào Chăm trong việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị của Lễ hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng và hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, phục vụ du lịch, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Lễ được tổ chức theo đúng phong tục tập quán, với sự tham gia đông đảo của đồng bào người Chăm trong tỉnh. Các hoạt động giữa phần lễ và phần hội phải được gắn kết một cách hài hòa, tạo nên không gian lễ hội vừa trang nghiêm vừa vui tươi, lành mạnh và đoàn kết./.
Tuyết Mai