Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
15/12/2021
Thông qua từ nhiều nguồn kinh phí, như khuyến nông - khuyến ngư, nguồn Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và các nguồn dự án khác... Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến nông thông qua việc xây dựng trình diễn các mô hình, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, khuyến công cho bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đem lại hiệu quả tích cực, giúp tăng năng suất 20-25%; giảm giá thành sản xuất, hiệu quả kinh tế tăng 30-35%; hạn chế dịch bệnh, giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong đó, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, nhất là đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao, giảm giá thành. Trong đó, một số mô hình hiệu quả, tiêu biểu được nông dân áp dụng rộng rãi trong sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể: Mô hình chuyển đổi cơ cấu Giống - Mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững (Mô hình 02 lúa + 01 màu, mô hình 01 lúa+ 01 màu (bắp, mè, đậu, rau các loại..); Mô hình trên cây lúa: Chương trình xã hội hoá giống lúa, chương trình sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng” “1 phải, 5 giảm” tiếp tục được chú trọng triển khai, đến nay đã được đồng bào áp dụng rộng rãi trong sản xuất,đảm bảo năng suất, sản lượng, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, góp phần giảm ô nhiễm môi trường sinh thái, mang lại hiệu quả thiết thực. Song song; các mô hình thâm canh cây mì cao sản, mì giống mới năng suất cao, thâm canh cây mãng cầu (Na) ghép, thâm canh và cải tạo vườn điều năng suất cao, ... Các mô hình sử dụng giống mới năng suất cao vào sản xuất thay thế dần các giống đã thoái hóa, hướng dẫn người dân cải tạo, chăm sóc, bón phân hợp lý cho cây, góp phần tăng thu nhập, đảm bảo an ninh lương thực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chương trình khuyến nông còn chú trọng công tác tập huấn, tuyên truyền vận động, hướng dẫn đồng bào chăn nuôi theo hướng an toàn trên đàn gia súc, gia cầm; hướng dẫn cho đồng bào nuôi heo rừng lai, heo đen, chăn nuôi gà thả vườn theo hướng An toàn sinh học phục vụ cho nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
Nhiều chương trình khuyến công triển khai hỗ trợ cho đồng bào công cụ sản xuất nông nghiệp nhằm tiết kiệm thời gian lao động, những máy móc thiết bị mới được áp dụng vào sản xuất nông nghiệp nhằm giúp cho nông dân giảm chi phí nhân công, tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời tăng năng suất và sản phẩm góp phần.
Ngoài các chương trình khuyến nông do ngành nông nghiệp triển khai, thông qua thực hiện chính sách đầu tư ứng trước, hàng năm Trung tâm Dịch vụ miền núi tổ chức 10- 12 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và thâm canh bắp lai, lúa nước, 5-10 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò cho các hộ thực hiện mô hình giảm nghèo, 1-2 lớp tập huấn kỹ thuật cạo mủ cao su cho các hộ đồng bào dân tộc.
Việc thực hiện công tác khuyến nông đã góp phần thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, các loại cây trồng như bắp lai, mỳ cao sản, lúa nước…đang trở thành những cây chủ lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ngoài ra việc chăn nuôi bò, dê, gà thả vườn…rất phát triển, phù hợp với quy hoạch từng địa phương đem lai nguồn thu nhập ổn định, đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn còn chậm, khả năng tiếp thu và ứng dụng vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn đòi hỏi các ngành, địa phương cần quan tâm, tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình khuyến nông trong thời gian tới./.
V. Đ. Diện