Một số nội dung, biện pháp để thực hiện có hiệu quả công tác thi đua khen thưởng
Như chúng ta đã biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ.
Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”. Bên cạnh đó, trong nhiều bài nói, bài viết, thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác thi đua, Người thường dạy: Đã thi đua thì phải có khen thưởng, "thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch". Thi đua và khen thưởng phải luôn gắn bó với nhau, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Trên cơ sở thi đua, có thể chọn lựa những cá nhân và tập thể tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất để kịp thời khen thưởng. Đồng thời, khen thưởng đúng người, đúng việc thì sẽ động viên và thúc đẩy phong trào thi đua.
Đồng chí Nguyễn Minh Chính – Phó Giám đốc Trung tâm DVMN phát biểu tại hội nghị CCVC, NLĐ Ban Dân tộc năm 2024
Vì vậy, trong các phương pháp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi thi đua và khen thưởng không những là động lực phát triển xã hội mà còn là công cụ quản lý của nhà nước, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là “đòn bẩy”, trở thành động lực kích thích cá nhân, tập thể hăng say hoạt động, phát huy hết tài năng của mình trong việc xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện thì cần phải thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản cụ thể như sau:
Một là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể với công tác thi đua khen thưởng. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng.
Hai là, xác định được chủ đề, mục đích, ý nghĩa, hình thức, nội dung và tiêu chí của phong trào thi đua. Phong trào thi đua càng thiết thực, cụ thể thì hiệu quả đạt được càng cao. Cần có phương pháp, định hướng thiết thực, rõ ràng, kiên quyết chống bệnh hình thức: nói cho hay, cho nhiều chứ không làm hoặc làm không kết quả; đồng thời gắn nhiệm vụ chung với nhiệm vụ cụ thể, động viên tinh thần kết hợp với khen thưởng vật chất xứng đáng, kịp thời.
Ba là, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy chế, quy định, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt là quy định về các tiêu chí thi đua, khen thưởng; quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng theo thẩm quyền, bảo đảm phù hợp quy định hiện hành của Nhà nước và thực tiễn của cơ quan.
Bốn là, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng. Phát huy tinh thần trách nhiệm của các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, có ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời các phong trào thi đua và công tác khen thưởng theo đúng quy định pháp luật.
Năm là, việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng bảo đảm nguyên tắc công khai, công bằng, dân chủ và kịp thời. Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua và công tác khen thưởng để kịp thời biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, đồng thời đúc kết kinh nghiệm, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong cơ quan. Khắc phục tình trạng cả nể, bệnh thành tích trong khen thưởng; thực hiện xét, đề nghị khen thưởng từ cấp cơ sở, bảo đảm chính xác, kịp thời, công bằng, dân chủ, công khai, lấy ý kiến rộng rãi trong cơ quan để nắm bắt thông tin, dư luận trước khi tổng hợp, đề nghị khen thưởng. Chú trọng và quan tâm khen thưởng các cá nhân là người lao động sản xuất trực tiếp, nhân viên cấp dưới đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và các nhân tố, mô hình mới có nhiều sáng tạo, điển hình ở cấp cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn,... Đây là biện pháp rất quan trọng, không thể thiếu trong tổ chức thi đua nhằm đánh giá đúng thành tích, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Vấn đề mấu chốt trong công tác sơ, tổng kết phong trào thi đua là đúc rút tìm ra được những kinh nghiệm hay, chọn được tập thể và cá nhân tiên tiến xuất sắc, đồng thời khen thưởng đúng mức để động viên mọi người phấn đấu thực hiện tích cực hơn nữa. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng, trang tin điện tử, lực lượng tuyên truyền viên để đưa công tác thi đua - khen thưởng trong cơ quan, đơn vị đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng cơ quan, đơn vị trong thời kỳ mới./.
Minh Chính