Trung tâm Dịch vụ miền núi triển khai mua sắm và tổ chức cung ứng hàng hóa bán phục vụ tết Đầu lúa và tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
31/01/2024
Nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ cho đồng bào dân tộc thiểu số trong dịp tết Đầu lúa và tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trung tâm Dịch vụ miền núi (DVMN) xây dựng kế hoạch thực hiện mua sắm hàng hóa, phục vụ tết tại 11 cửa hàng và 05 đại lý thuộc các xã thuần và các thôn dân tộc thiểu số xen ghép trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung cung ứng sớm xuống các cửa hàng thuộc các xã có đón tết Đầu lúa (gồm các xã: Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Điền và Phan Tiến thuộc huyện Bắc Bình).
Đến thời điểm hiện nay, Trung tâm DVMN đã mua và cung ứng các mặt hàng xuống các cửa hàng, đại lý; trong đó, tập trung chủ yếu các mặt hàng bình ổn giá. Tại các điểm bán hàng, Trung tâm DVMN đều niêm yết giá công khai, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ cũng như thông báo trên bảng thông tin về các mặt hàng tham gia bình ổn giá tại các kệ hàng, nơi dễ nhận thấy. Khác với mọi năm, Trung tâm tiến hành cho các cửa hàng, đại lý tạm ứng kinh phí để tự mua sắm hàng hóa, làm thêm phong phú mặt hàng, thực phẩm gắn với công tác bình ổn giá thị trường Tết tại địa phương. Theo đó, chất lượng hàng hóa phục vụ Tết có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo thời hạn sử dụng và an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Giá bán bằng hoặc thấp hơn giá thị trường tại cùng thời điểm. Riêng các mặt hàng bình ổn giá như gạo, dầu ăn, bột ngọt, đường… đảm bảo đủ số lượng cung ứng theo nhu cầu của thị trường. Tổng giá trị hàng mua sắm cung ứng và tiền mặt cho các cửa hàng, đại lý tạm ứng gần 01 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc tham gia bình ổn giá các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ tết cho đồng bào gặp không ít khó khăn, bởi nguồn vốn chủ yếu tự chủ của đơn vị;... Ngoài ra, do biến động bất ổn của tình hình thế giới dẫn đến giá cả của các loại vật tư đều tăng cao so với các năm;..Mặt khác, vào dịp tết nhiều các tổ chức từ thiện, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đến thăm tặng quà cho các hộ đồng bào, các gia đình chính sách tương đối nhiều cũng tác động đến nhu cầu mua sắm giảm. Bên cạnh đó, số lượng các tạp hóa nhỏ lẻ nhiều tại các địa phương đã tạo nên sự đa dạng và nhiều lựa chọn trong nhu cầu mua sắm của đồng bào.
Với những khó khăn trên, hơn hết cấp trên cần quan tâm có cơ chế đặc thù hỗ trợ Trung tâm DVMN để hoạt động tham gia bình ổn giá trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian tới ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn./.
Thế Tài