Kết quả chỉ đạo công tác Cải cách hành chính năm 2022 của tỉnh Bình Thuận
29/12/2022
Trong năm 2022, UBND tỉnh Bình Thuận đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách hành chính nhà nước ( CCHC ); các nhiệm vụ công tác CCHC đề ra trong năm đã được các cơ quan, địa phương quan tâm triển khai thực hiện (đến nay các sở, ban, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện hoàn thành 55/55 nhiệm vụ CCHC năm 2022 được UBND tỉnh phê duyệt, đạt 100% Kế hoạch đề ra , cụ thể:
Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và UBND tỉnh đã ban hành 64 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), gồm 40 Quyết định và 24 Nghị quyết; UBND cấp huyện ban hành 42 VBQPPL và UBND cấp xã ban hành 04 VBQPPL. Tất cả VBQPPL đã ban hành được cập nhật đầy đủ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định.
UBND tỉnh cũng ban hành 02 Quyết định về việc thông qua phương án đơn giản hóa TTHC; đồng thời, ban hành Quyết định về việc phê duyệt danh mục, quy trình nội bộ của 68 TTHC (52 TTHC cấp tỉnh, 08 TTHC cấp huyện, 08 TTHC cấp xã) rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Tỷ lệ hồ sơ TTHC cấp tỉnh giải quyết đúng hạn là 99,7%, cấp huyện là 95,12%; cấp xã là 96,42%. Kết quả tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức liên quan đến quy định hành chính và TTHC tiếp nhận trên hệ thống PAKN được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia là 163 PAKN, đã giải quyết xong 153 PAKN (có 10 PAKN trong hạn đang giải quyết). Kết quả đánh giá chất lượng giải quyết TTHC năm 2022, có 11/19 đơn vị cấp tỉnh đạt loại Xuất sắc, 07/19 đơn vị đạt loại Tốt, 01/19 đơn vị đạt loại Khá; cấp huyện có 05/10 đơn vị đạt loại Tốt, 05/10 đơn vị đạt loại Khá.
Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng thực hiện tinh giản biên chế đối với 339 trường hợp; thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh ước giải ngân đến hết tháng 12/2022 đạt 95% so với kế hoạch giao.
Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ được quan tâm đầu tư: Hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng di động 3G, 4G và cố định phủ đến 100% xã, phường, thị trấn; tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 72,69%, tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 88,59%. Cùng với đó, Bình Thuận tiếp tục phát triển hoàn thiện, khai thác sử dụng các nền tảng số do tỉnh đầu tư và đưa vào sử dụng như: Trục kết nối liên thông, chia sẻ, trao đổi dữ liệu quy mô cấp tỉnh (ESB); trục liên thông chia sẽ dữ liệu quốc gia (NGSP); trục liên thông văn bản quốc gia; kết nối thanh toán trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia.... Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh được triển khai thống nhất, đồng bộ và tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia; các hệ thống Quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh,… tiếp tục được khai thác, sử dụng./.
D. Huyền