Tăng cường công tác phòng cháy đối với cơ sở nguy hiểm cháy nổ, khu dân cư, hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh
Trong thời gian qua, việc thực hiện một số chỉ tiêu nhiệm vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn tỉnh vẫn chưa bảo đảm yêu cầu về chất lượng và tiến độ đã đề ra; đáng chú ý, qua vụ cháy nhà ở kết hợp với kinh doanh của hộ dân tại xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết xảy ra vào ngày 31/8/2023 gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho thấy công tác quản lý về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy còn có những sơ hở, thiếu sót và việc trang bị các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy của người dân còn hạn chế.

Để chủ động phòng ngừa cháy, nổ, không để xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị Mặt trận, đoàn thể tỉnh khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung sau:

1. Tiếp tục rà soát triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 315/KH-UBND ngày 08/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới; Công văn số 2435/UBND-NCKSTTHC ngày 05/7/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

 2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các khuyến cáo, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến cán bộ công chức, viên chức và Nhân dân thông qua nhiều hình thức như đăng phát trên đài phát thanh, truyền hình, loa truyền thanh, gửi tin nhắn SMS đến các thuê bao di động, trên zalo, facebook; tuyên truyền trực tiếp hoặc lồng ghép trong sinh hoạt đảng, cơ quan, đơn vị, tổ dân phố, thôn; lưu ý tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 01 bình chữa cháy, có lối thoát nạn thứ hai để phòng ngừa khi có sự cố cháy nổ xảy ra…

 3. Công ty Điện lực Bình Thuận: Có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng ngừa sự cố tai nạn về điện cho Nhân dân; hướng dẫn việc ngắt điện của các hộ gia đình khi có sự cố hoặc cung cấp, niêm yết công khai số điện thoại của bộ phận có trách nhiệm xử lý để người dân có thể liên  lạc ngắt điện của nhà, khu vực xảy ra cháy. Trường hợp chậm trễ, cắt điện không kịp thời để xảy ra sự cố tai nạn về điện khi chữa cháy thì Công ty Điện lực Bình Thuận phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

 4. Các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

 - Tiếp tục tuyên truyền, vận động bảo đảm 100% gia đình cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang thuộc quyền quản lý trang bị bình chữa cháy, mở lối thoát nạn khẩn cấp thứ hai; đồng thời, có trách nhiệm vận động 100% hộ gia đình người thân cùng hưởng ứng thực hiện.

 - Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở phải tổ chức duy trì công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy trong phạm vi quản lý của mình theo chế độ kiểm tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất; chú ý các cơ sở có nguy cơ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản như: Chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, cơ sở sản xuất… khắc phục triệt để các thiếu sót về thoát nạn, ngăn cháy lan, an toàn hệ thống điện, hư hỏng của hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy…; phải bảo đảm lực lượng, phương tiện được trang bị luôn sẵn sàng hoạt động, chữa cháy kịp thời khi xảy ra sự cố, không để cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng.

 5. Công an tỉnh:
- Chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về cháy, nổ; hướng dẫn các biện pháp phòng cháy, chữa cháy, cách xử lý và kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn; triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy nhất là xây dựng các mô hình an toàn phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn dân cư theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

 - Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tổ chức kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đề xuất hình thức xử lý phù hợp đối với trường hợp không thực hiện đúng trách nhiệm, buông lỏng quản lý trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

 - Tăng cường kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các địa bàn, cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý, chú ý các cơ sở có nguy cơ cao, thường xảy ra cháy gây thiệt hại lớn về tài sản như chợ, trung tâm thương mại, cơ sở công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ. Quá trình kiểm tra phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

 - Tổ chức thi nghiệp vụ chữa cháy đối với tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định pháp luật.

 - Tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy 24/24h, xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập các phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở nguy hiểm cháy, nổ; nâng cao chất lượng công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ bảo đảm cán bộ, chiến sĩ nắm vững chiến thuật, sử dụng thành thạo các thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được trang cấp để xử lý tình huống cháy kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

 - Khi có vụ cháy, nổ, sự cố tai nạn lớn phải thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo theo quy định để tổ chức huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy theo phương án đã được phê duyệt. Tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân các vụ cháy, nếu có dấu hiệu của tội phạm, phải khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm tăng sức răn đe, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.

 6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nghiên cứu tham mưu đưa kết quả xây dựng các mô hình, chỉ tiêu nhiệm vụ an toàn phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn dân cư và công tác phòng ngừa cháy nổ là một trong những tiêu chí để xem xét thi đua cuối năm, xét công nhận khu phố văn hóa, gia đình văn hóa…

 7. Công an tỉnh, Sở Công Thương và đề nghị Cục Quản lý thị trường tỉnh: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực mình phụ trách tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất thiết bị phòng cháy, chữa cháy nhằm bình ổn giá cả, không để xảy tình trạng đầu cơ đối với mặt hàng này.

 8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị- xã hội tỉnh: Tiếp tục phát huy vai trò phối hợp trong tuyên truyền, vận động xây dựng các mô hình an toàn phòng cháy, chữa cháy, tham gia hỗ trợ mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng bảo đảm hoạt động hiệu quả và theo đúng hướng dẫn của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phát động phong trào trang bị bình chữa cháy đối với hộ gia đình cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, hội viên, đoàn viên và toàn thể Nhân dân trên địa bàn; phấn đấu đến ngày 10/10/2023, 100% hộ gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh có bình chữa cháy; đến ngày 15/12/2023, có ít nhất 01 người trong hộ gia đình phải được tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy, chữa cháy; đến ngày 15/10/2023, hộ gia đình có nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh theo đối tượng, tiêu chí hướng dẫn của Bộ Công an tham gia mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy.

 9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

 9.1. Tiến hành kiểm điểm, đánh giá, làm rõ kết quả đạt và chưa đạt được, những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện Kế hoạch số 315/KH-UBND ngày 08/02/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. Thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy (trong đó, lãnh đạo địa phương làm Trưởng ban, Trưởng Công an cấp huyện làm Phó Trưởng ban và người đứng đầu các ban, ngành liên quan làm thành viên); xây dựng quy chế hoạt động và phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên để làm căn cứ triển khai thực hiện.

 9.2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện quyết liệt công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ:

 (1) Tổ chức rà soát lập danh sách đầy đủ các cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý theo Phụ lục IV Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ, nhất là các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu dân cư, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh; phải thống kê lập danh sách 100% cơ sở và tổ chức kiểm tra, hướng dẫn an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo thẩm quyền đối với cơ sở ít nhất 01 lần/năm; phải có hồ sơ theo dõi quản lý về phòng cháy, chữa cháy của cơ sở bảo đảm chặt chẽ.

 Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã, cán bộ quản lý và cá nhân được phân công nhiệm vụ phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm liên đới nếu cơ sở quản lý xảy ra cháy, nổ mà chưa được kiểm tra, hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy hoặc kiểm tra hướng dẫn không đầy đủ, chặt chẽ.

 (2) Huy động mọi lực lượng thuộc quyền quản lý tổ chức tuyên truyền sâu rộng về phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn dân cư dưới mọi hình thức trên cơ sở rút kinh nghiệm sâu sắc từ các vụ việc đã xảy ra (nhất là vụ cháy tại xã Phong Nẫm, thành phố Phan Thiết vừa qua) nhằm cảnh báo, hướng dẫn cho các hộ gia đình kỹ năng, biện pháp phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn. Có biện pháp phù hợp để tuyên truyền, vận động, khuyến khích các nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh từ 02 tầng trở lên hoặc nhà 01 tầng nếu gian phòng phía trước chứa nhiều hàng hóa, vật dụng dễ cháy nên bố trí lối thoát nạn thứ hai phía sau nhà, qua giếng trời, lên mái… để kịp thời thoát nạn khi có sự cố xảy ra; các hộ gia đình cần thống nhất phương án thoát nạn khi xảy ra cháy để không bị động, bất ngờ.

 (3) Tổ chức tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn cho ít 01 người trong hộ gia đình (đến 15/10/2023, phấn đấu bảo đảm có 50% hộ gia đình có người được tập huấn và đến 31/12/2023 hoàn thành 100% trên địa bàn tỉnh). Hàng năm, tổ chức huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy ít nhất 06 tháng/lần cho thành viên tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy.

 (4) Chỉ đạo khẩn trương hoàn thành các chỉ tiêu về phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn dân cư, phân công rõ nhiệm vụ cho lãnh đạo, cán bộ phụ trách, trong đó:

 - Tổ chức rà soát ngay để xác định đầy đủ các địa bàn, khu vực thuộc diện quản lý và tập trung xây dựng, nhân rộng 100% tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy, điểm chữa cháy công cộng đối với địa bàn trong diện phải thành lập theo quy định không để bỏ sót2; đồng thời, kiểm tra lại các trang thiết bị, phương tiện để củng cố, bổ sung đối với các tổ liên gia đã xây dựng nhưng chưa đáp ứng theo hướng dẫn của Bộ Công an, Cục C07 và Công an tỉnh.

 Các địa bàn đô thị trọng điểm, dân cư tập trung mật độ cao cần nghiên cứu đề xuất từng bước trang bị phương tiện chữa cháy cơ giới cỡ nhỏ tại các điểm chữa cháy công cộng để kịp thời xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

 - Tiếp tục chỉ đạo phát huy vai trò xung kích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ các tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy để bảo đảm hoạt động hiệu quả.

 - Xây dựng, tổ chức cho 100% tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn quản lý thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo để hoàn thành tốt việc thực tập phương án chữa cháy đồng loạt trên địa bàn tỉnh đối với các mô hình tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy đã đăng ký (mỗi huyện thực tập 01 phương án) theo chỉ đạo của Bộ Công an và hướng dẫn của Công an tỉnh.

- Có phương án hỗ trợ từ ngân sách địa phương, xã hội hóa việc trang bị phương bình chữa cháy cho các hộ gia đình khó khăn nhằm đảm bảo mỗi hộ gia đình được trang bị 01 bình chữa cháy trong thời gian sớm nhất.

 - Đối với các hộ gia đình để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có điều kiện thì hướng dẫn, khuyến khích trang bị thêm phương tiện báo cháy tự động tại các khu vực sản xuất, kinh doanh để cảnh báo cháy sớm nhằm kịp thời thoát nạn và chữa cháy.

Lưu ý: Đối với nhà ở kết hợp với sản xuất, cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu dân cư không trang bị đầy đủ các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định thì không đủ điều kiện kinh doanh; đồng thời, có biện pháp xử lý hành chính (kể cả việc thu hồi giấy phép hoạt động) cho đến khi thực hiện đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

 (5) Chủ động bố trí kinh phí hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí cho hoạt động về phòng cháy, chữa cháy tại địa phương nhất là hỗ trợ hoạt động, tập huấn của đội dân phòng, tuyên truyền, huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy cho hộ gia đình, thực tập phương án chữa cháy, thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy.

 Giao Công an tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Công văn này, tổ chức kiểm tra việc thực hiện các chỉ tiêu và tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện, tham mưu báo cáo theo quy định./.

Tải về: 3693 /UBND-NCKSTTHC

Cải cách hành chính

Điểm tin cải cách hành chính

VĂN BẢN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG DVC TRỰC TUYẾN VÀ DV BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

HƯỚNG DẪN TTHC LIÊN THÔNG
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
       Trang Thông Tin Điện Tử Ban Dân Tộc
Địa chỉ: 408 Thủ Khoa Huân, TP. Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 0252 3812440
Email: bdt@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang

Designed by VNPT