Năm 2023, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; sự phối hợp, chặt chẽ của các sở, ngành và địa phương đã giúp cho Ban Dân tộc thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu được UBND tỉnh giao.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), Ban Dân tộc đã tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành 04 Nghị Quyết, 03 Quyết định về phân khai nguồn kinh phí thực hiện cho các dự án, tiểu dự án năm 2022 và năm 2023. Kết quả giải ngân tổng vốn ngân sách trung ương năm 2022-2023 là 149.752 triệu đồng, đạt 64,8% kế hoạch. Ngoài ra, đã chủ trì, phối hợp triển khai, thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín, với kinh phí thực hiện 500 triệu đồng. Triển khai lồng ghép có hiệu quả nội dung của Đề án trong Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN. Tổ chức 04 lớp bồi dưỡng cho đối tượng 3 và 4 với 127 người/ 350 triệu đồng theo Quyết định số 771/QĐ-TTg.
Trong năm, đã tiếp nhận và giải quyết 126 hồ sơ/1.826.160.000 đồng theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐNDtỉnh. Thực hiện Chương trình hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS, đã giải ngân 23.180 triệu đồng/25.000 triệu đồng, đạt 93% (ngân sách tỉnh); 6.206 triệu đồng/13.323 triệu đồn, đạt 47% (ngân sách huyện); đến nay, một số công trình đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Phối hợp chi trả 02 đợt kinh phí nhận khoán cho các hộ đồng bào, với 18.447.778.370 đồng/49.724,47 ha/1.665 hộ. Chỉ đạo TTDVMN thực hiện tốt chính sách đầu tư ứng trước cho 1.120 hộ/2.111 ha/17 tỷ đồng; đồng thời, thực hiện cung ứng các mặt hàng phục vụ tết Đầu lúa và tết Nguyên đán Quý Mão 2023 cho đồng bào dân tộc với tổng trị giá trên 500 triệu đồng. Doanh số năm 2023 của Trung tâm Dịch vụ miền núi đạt 43,5/43 tỷ đồng (đạt 102%).
Có thể đánh giá trong năm, Tỉnh ùy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm, cụ thể hóa, ban hành cơ bản đầy đủ các văn bản để triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, cũng như các chính sách đặc thù của địa phương. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện một số nhiệm vụ công tác dân tộc; công tác theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chương trình, dự án chính sách chưa chặt chẽ, chưa chủ động. Tình hình triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bị động. Nguyên nhân, chương trình có nhiều điểm mới, có nhiều văn bản hướng dẫn; các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình đa dạng về mặt nội dung, được tích hợp từ nhiều chính sách khác nhau dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát để nắm bắt tình hình thực hiện và kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình chưa thường xuyên. .
Tiếp tục triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ban Dân tộc xác định các nhiệm vụ trọng tâm để tham mưu, phối hợp và chỉ đạo thực hiện trong năm 2024, cụ thể:
Một là, tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Hai là, tiếp tục tăng cường công tác nắm bắt tình hình và giải quyết các vấn đề phát sinh tại vùng đồng bào DTTS; đồng thời, chỉ đạo triển khai phối hợp và thực hiện có hiệu quả các chính sách đặc thù của địa phương, như NQ04, NQ36, NQ18 của HĐND tỉnh.
Ba là, tham mưu, phối hợp tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận lần thứ IV năm 2024.
Bốn là, duy trì và triển khai thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa Ban Dân tộc tỉnh với các sở, ban, ngành của tỉnh; nâng cao chất lượng việc thực hiện chủ trương về giao lưu, kết nghĩa giữa các sở, ngành và lực lượng vũ trang cấp tỉnh với các xã thuần đồng bào DTTS và thôn xen ghép đồng bào DTTS.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các nội dung dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng DTTS&MN nhằm đôn đốc tiến độ giải ngân, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhằm kịp thời đề xuất giải pháp xử lý.
Sáu là, tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phòng, chống, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN./.
Thùy Trang