Tỉnh Bình Thuận thực hiện tốt các chính sách giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
Nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, sự huy động từ nhiều nguồn lực, mạng lưới trường, lớp các cấp học trong vùng đồng bào DTTS được mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Toàn tỉnh hiện có 52 trường, với 505 lớp/425 phòng học ở các cấp học; trong đó: Mầm non 16 trường/97 lớp/85 phòng học; tiểu học 22 trường/274 lớp/211 phòng học; THCS 14 trường/137 lớp/129 phòng học.
Trong những năm qua, ngoài tổ chức thực hiện các chính sách giáo dục cho học sinh DTTS theo Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 09/5/2018 của chính phủ; Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 (thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015); Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ…học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn được thụ hưởng các chính sách giáo dục của địa phương, cụ thể:
Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, học sinh, sinh viên DTTS được hỗ trợ thường xuyên hàng tháng; được hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh từ Tiểu học đến Trung học cơ sở; được Hỗ trợ tiền tàu xe; hỗ trợ khen thưởng đạt loại khá, giỏi và xuất sắc. Trong năm 2021, UBND tỉnh đã cấp kinh phí 7.496.922.800 đồng/8.741học sinh từ Mầm non đến Trung học cơ sở; đồng thời, Ban Dân tộc đã giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp cho sinh viên là người dân tộc thiểu số theo Quyết định số 09/2009/QĐ-UBND và Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh (nay là NQ 04), với 51 người/665.280.000 đồng.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã xét tuyển cho trên 701 học sinh DTTS thuộc 10/10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh tham gia học nghề theo Quyết định 35/2014/QĐ-UBND ngày 12/8/2014 của UBND tỉnh, với kinh phí gần 4 tỷ đồng/khóa học. Tổ chức xét tuyển trên 350 học sinh vào lớp 10 Trường Phổ thông DTNT tỉnh/ năm; các chế độ, chính sách cho học sinh là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số theo Kế hoạch số 846/KH-UBND ngày 10/3/2017 của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 07 huyện, có 49 trường với 10.776 học sinh DTTS được tăng cường tiếng Việt, đạt tỷ lệ 100% so với Đề án tăng cường tiếng Việt. Toàn tỉnh có 04 huyện, có 12 trường, 143 lớp với 3.494 học sinh học tiếng Chăm; các đơn vị tiếp tục triển khai dạy tiếng Chăm 2 tiết/4 tiết/tuần cho tất cả các khối lớp tiểu học; các trường đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạy và học tiếng Chăm đạt kết quả tốt. Kết quả cuối năm học 2020- 2021 có 3485/3494 học sinh được đánh giá hoàn thành chương trình tiếng Chăm, đạt tỷ lệ 99,7%;
Nhìn chung, việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục cho học sinh, sinh viên vùng DTTS&MN luôn được các, các ngành đặc biệt quan tâm. Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành kịp thời chính sách giáo dục đặc thù của địa phương nhằm tiếp tục thu hút học sinh, sinh viên DTTS ở các cấp học, bậc học đến trường cao hơn. Đặc biệt, Nghị quyết số 04-NQ/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/202 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên DTTS trên địa bàn tỉnh là một chính sách đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế, đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh các dân tộc thiểu số tăng thêm mức hỗ trợ để chi phí ăn, ở, học tập và sinh hoạt. Thông qua chính sách này, tiếp tục thu hút học sinh, sinh viên DTTS ở các cấp học, bậc học đến trường cao hơn; giảm tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, nhất là trong tình hình dịch bệnh covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Việc triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt; việc dạy tiếng nói, chữ viết Chăm luôn được quan tâm chỉ đạo thường xuyên. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong vùng DTTS&MN.
Tuy nhiên, việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số dân tộc có nơi chưa sát với tình hình thực tế địa phương, hiệu quả chưa cao; tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng có nơi còn cao; cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ nâng cao chất lượng dạy và học còn nhiều khó khăn. Vùng DTTS tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên mặc dù đã được ưu tiên, nhưng do nguồn lực ngân sách có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu kinh phí đầu tư thực hiện các mục tiêu giáo dục và đào tạo. Việc triển khai một số chính sách có lúc, có nơi còn chậm trễ, thiếu đồng bộ, thực hiện chưa tốt; một số chính sách đối với học sinh vùng DTTS khó khăn vẫn còn hạn chế, bất cập về đối tượng được hưởng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ… Việc thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg và Quyết định 443/QĐ-UBDT đã làm hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào cho các đối tượng vào học các trường Phổ thông DTNT tỉnh, huyện; đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh học sinh thuộc đối tượng đã từng được hưởng chế độ chính sách trong thời gian qua theo quy định cũ.
Để tiếp tục thực tốt chính sách giáo cho con em DTTS, cần quan tâm:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về phát triển giáo dục đối với học sinh DTTS. Tiếp tục quan tâm việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; thường xuyên giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên; đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch nguồn nhân lực DTTS tại địa phương.
Thực hiện tốt các chính sách cho học sinh, sinh viên các dân tộc thiểu số của tỉnh theo các quy định hiện hành của Trung ương, của tỉnh, nhất là các chính sách đặc thù của địa phương, đặc biệt là Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng đối tượng, địa bàn, định mức quy định./.
V. Đ. Diện