Một số giải pháp để thực hiện tốt chính sách phát triển giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Một số giải pháp để thực hiện tốt chính sách

phát triển giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

 

 

Trong những năm qua, công tác giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có nhiều tiến bộ, góp phần tích cực cho việc phát triển nguồn nhân lực, của địa phương. Đến nay, vùng đồng bào DTTS cơ bản hoàn thành chương trình xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và từng bước hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Nhiều con em đã nỗ lực, vượt khó đạt thành tích cao trong học tập; đội ngũ trí thức DTTS ngày càng tăng về số lượng và chất lượng đã tạo nguồn, hình thành nhiều đội ngũ cán bộ DTTS từ cơ sở đến trung ương. Những kết quả trên nhờ vào chủ trương, chính sách phù hợp, đúng đắn của Đảng và Nhà nước; các chính sách giáo dục, đào tạo của Trung ương, địa phương đã tiếp cận, tạo cơ hội cho con em DTTS có một ngành nghề phù hợp, đáp ứng theo nhu cầu của xã hội. Trong đó, không thể không nói đến chính sách hệ cử tuyển theo Nghị định 134/NĐ-CP; chính sách tín dụng xã hội; hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người DTTS theo Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg; chế độ trợ cấp cho học sinh, sinh viên DTTS theo Quyết định số 09/2009/QĐ-UBND và Quyết định số 04/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận (Quyết định 09,04) và chế độ cho học sinh DTTS học nghề theo Quyết định 35/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Thuận (Quyết định 35)…. góp phần đặc biệt quan trọng trong việc tạo nguồn nhân lực DTTS phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững tại địa phương trong từng giai đoạn.

Qua thống kê số liệu trong 10 năm (2009-2019), tỉnh Bình Thuận có hơn 1.343 đối tượng là người DTTS đã thụ hưởng các chính sách giáo dục của Trung ương và địa phương. Trong đó, Quyết định số 66: có 18 người/ 100 triệu đồng; Quyết định 35 gồm 580 người/trên 13,5 tỷ đồng; trên 325 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Riêng đối với Quyết định 09,04 có hơn 893 lượt người được thụ hưởng với tổng kinh phí 9.300 triệu đồng, (bình quân gần 01 sinh viên/trên 10 triệu đồng/năm học). Với số lượng thụ hưởng trên, chất lượng đầu ra cơ bản đạt yêu cầu, tỷ lệ tốt nghiệp trình độ trung học, cao đẳng, đại học chiếm 80%, tỷ lệ lưu ban, bỏ học giữa chừng chiếm 20%; trong đó, có trên 60% số ra trường đã có việc làm ổn định, số còn lại chưa có việc làm.

Nhìn chung, nhờ các chính sách giáo dục, đào tạo đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em DTTS giải quyết một phần khó khăn và là động cơ để giúp các em yên tâm học tập. Mặt khác, chính sách còn là cơ hội cho con em DTTS được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có được nghề nghiệp phù hợp góp phần tăng thêm số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS đang công tác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Qua thống kê đến năm 2019, toàn tỉnh hiện có hơn 1.225 công chức, viên chức là người DTTS/29.094 CC,VC của tỉnh, chiếm tỷ lệ 4,2%; trong đó, tổng số cán bộ  lãnh đạo, quản lý  là người dân tộc thiểu số có 363 người (cấp tỉnh 17 người, cấp huyện 16 người, cấp xã 330 người).

Tuy nhiên, chính sách giáo dục, đào tạo đối với DTTS hiện nay vẫn còn bất cập, đó là: Chính sách được quy định tại nhiều văn bản, chưa chặt chẽ nên dẫn đến cách hiểu và thực hiện không thống nhất, chồng chéo; có đối tượng được hưởng cùng lúc nhiều chính sách; có đối tượng cùng một địa bàn nhưng không được thụ hưởng; định mức trợ cấp cho từng đối tượng vẫn còn thấp và chưa sát với tình hình biến động giá cả thị trường. Việc sắp xếp, bố trí việc làm cho sinh viên DTTS sau khi ra trường còn gặp khó khăn; việc thi tuyển yêu cầu ngành đạo tạo phải phù hợp vị trí việc làm nên có nhiều em chưa đủ điều kiện tham gia…

Để thực hiện tốt hơn chính sách phát triển giáo duc, đào tạo cho đồng bào DTTS trong thời gian tới cần tổng hợp, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách theo hướng tích hợp chung thành một chính sách về giáo dục và đào tạo. Trong đó, cần xem xét địa bàn, đối tượng thụ hưởng, nhất là đối tượng DTTS có nguồn nhân lực thấp; trên cơ sở đó tăng định mức trợ cấp để phù hợp với tình hình thực tế về chi phí học tập cho từng đối tượng nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên là người DTTS có cơ hội vươn lên trong học tập góp phần xây dựng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, tay nghề cao để phục vụ cho vùng đồng bào DTTS trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tiếp tục ưu đãi thực hiện tốt chính sách tín dụng hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên người DTTS ở những vùng khó khăn và vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn học tập. Quan tâm, xem xét và tạo điều kiện thuận lợi cho con em là người DTTS sau khi tốt nghiệp ra trường được tuyển dụng vào vị trí việc làm phù hợp để tăng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia làm việc tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể ở các cấp./.

Thanh Thị Minh Hiền

 

 

       

 

Cải cách hành chính

Điểm tin cải cách hành chính

VĂN BẢN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH

HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG DVC TRỰC TUYẾN VÀ DV BƯU CHÍNH CÔNG ÍCH

HƯỚNG DẪN TTHC LIÊN THÔNG
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
       Trang Thông Tin Điện Tử Ban Dân Tộc
Địa chỉ: 408 Thủ Khoa Huân, TP. Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận
Điện thoại: 0252 3812440
Email: bdt@binhthuan.gov.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang

Designed by VNPT